Đa dạng sinh học Hồ Tây: Những giá trị bị lãng quên!

04/12/2014 00:00

(TN&MT) – Ô nhiễm nước Hồ Tây đã làm giảm giá trị về cảnh quan và đa dạng sinh học, để giữ Hồ Tây thực sự trở thành danh thắng xứng tầm cần phải xử lý ô nhiễm

   
(TN&MT) – Ô nhiễm nước Hồ Tây đã làm giảm giá trị về cảnh quan và đa dạng sinh học, để giữ Hồ Tây thực sự trở thành danh thắng xứng tầm cần phải xử lý ô nhiễm, phục hồi chất lượng nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
   
Nhiều loài có nguy cơ “khai tử”
   
  Hồ Tây được biết đến là một hệ sinh thái đất ngập nước đặc biệt với sự đa dạng về động thực vật, được coi là điển hình nhất của các hệ sinh thái nước ngọt, nước đứng đồng bằng Bắc Bộ.  Tuy nhiên, những giá trị về đa dạng sinh học nơi đây đang suy giảm hiện hữu từng ngày. Điều này càng được minh chứng bởi các két quả điều tra thành phần các loài thực vật nổi  ở Hồ Tây cho thấy, có sự giảm sút loài lớn nhất từ 115 (1996) đến nay chỉ còn khoảng 60 - 70 loài. Như vậy, số loài đã giảm sút gần một nửa. Trong đó, giảm số lượng nhiều nhất là ngành tảo Lục giảm từ trên 70 loài xuống còn hơn 20 loài.
   
   
Hồ Tây đang bị “bức tử”
   
  Số loài động vật của hồ cũng chẳng mấy khả quan, những năm gần đây, khu hệ cá hồ Tây hiện có 48 loài thuộc 13 họ, các thành phần loài cá ở hồ Tây có sự tăng lên, nhưng chủ yếu là do các loài cá nhập nội được nuôi thả, hoặc các loài cá được di nhập từ vùng khác đến và cũng có một số loài mới. Quan ngại nhất phải kể đến 3 loài cá được ghi trong sách Đỏ Việt Nam là cá vền, cá trắm đen và cá lóc, đến nay 2 loài cá trắm đen và cá lóc đã không còn được ghi trong sách Đỏ nữa, chỉ còn loài cá vền cũng đứng trước nguy cơ khai tử.
   
  Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ở hồ Tây những năm gần đây ngày càng tăng ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô. Hệ lụy đi kèm số lượng cá chết ngày càng nhiều và càng tăng vào mùa nước cạn. Loài cá bị chết nhiều nhất là cá mè trắng, cá trôi rô hu, cá rô phi.
   
  Mặc dù giải pháp kỹ thuật bờ kè ngăn chặn được tình trạng xâm lấn diện tích mặt nước, tuy vậy, mặt trái của giải pháp này có nhiều tác động tiêu cực, bất lợi đối với môi trường nước mặt Hà Nội, như là làm giảm đáng kể thể tích chứa nước mưa của sông, hồ  từ15 – 35% thể tích, làm giảm khoảng 20 - 30% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa của sông, làm giảm khả năng thẩm thấu nước của sông hồ và diện tích mặt bùn đất đáy sông hồ bị thu hẹp đáng kể có thể giảm tới 50%, tất các hậu quả này sẽ làm cho nạn úng ngập của nội thành Hà Nội càng căng thẳng thêm.
   
   Đồng thời, còn làm giảm điều kiện môi sinh vì diện tích bề mặt đá hộc trong sông hồ chiếm tỷ lệ rất lớn, đối với các loài thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước so với phương án xây kè bờ theo phương án thẳng đứng, như vậy kè bờ đá thoải 450 này sẽ làm cho môi trường nước sông, hồ bị ô nhiễm hơn.
   
Nguy cơ thành cái “ao tù”
   
  Theo GS. TSKH  Phạm Ngọc Đăng  - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, vào những năm 60 của thế kỷ trước chất lượng nước Hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây nhỏhơn 6mg/l, thuộc chất lượng nước loại A, nhân dân quanh khu vực thường ra Hồ Tây lấy nước về phục vụ ăn uống. Tuy nhiên, ngày nay nước Hồ Tây đã bị ô nhiễm tới mức trở thành nước loại B1, B2, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây ở giữa hồ cao nhất đạt tới 23mg/l, ở điểm gần bờ phía đường Thanh Niên cao nhất đạt tới 35mg/l (vượt cả mức lớn nhất của nước loại B2 – phục vụ cho tưới tiêu (25mg/l).
   
  Thực tế trong 25 năm qua, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ. Đơn cử như việc cho thấy biện pháp xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ. Tuy vậy đối với Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ, ở trong khu bán đảo Tây Hồ, và ở ngay trên mặt nước hồ, chưa được xử lý triệt để, nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây hiện nay còn bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ.
   
  Do vậy, đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ thì nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước.
  Hồ Tây là một thế giới kiến trúc trước kia và hiện nay có nhiều sự thay đổi về đa dạng sinh học, nếu không có các biện pháp để bảo tồn, sẽ vô tình làm mất đi những giá trị khoa học có giá trị ý nghĩa rất cốt lõi đối với hồ.
   
 Phương Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng sinh học Hồ Tây: Những giá trị bị lãng quên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO