Cương quyết nói không với hoạt động khai thác đá cảnh trái phép ở Văn Chấn, Yên Bái
(TN&MT) - Để quản lý khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là hoạt động khai thác đá cảnh trái phép trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã và đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm xác minh, làm rõ nguồn gốc đá cảnh đang bày bán, chế tác trên địa bàn các xã Suối Giàng, Đồng Khê và thị trấn Sơn Thịnh.
Đá ở khu vực Suối Giàng (đá metacacbonat) có cấu tạo vân dải, màu sắc, đá có đủ loại màu sắc tự nhiên như: Lục xanh, ánh ngọc, vàng lục… mỗi viên đá có màu sắc khác nhau, vân màu khác nhau, tuỳ theo trí tưởng tượng của người chế tác mà đá đã trở thành các sản phẩm được nhiều người ưa thích như: Bi cầu, đá cây, đá phong thuỷ, bàn ghế...Vì vậy, người dân đã khai thác lén lút để bán cho những cơ sở chế tác đá trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường.
Theo thống kê của huyện Văn Chấn, hiện nay trên địa bàn huyện có 115 cơ sở chế tác, bày bán các sản phẩm đá cảnh. Để quản lý khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là khai thác đá cảnh, huyện đã và đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động chế tác, tàng trữ, kinh doanh, bày bán sản phẩm đá cảnh.
Theo đó, huyện sẽ kiểm tra, xác minh và làm rõ nguồn gốc và các điều kiện kinh doanh đá. Đồng thời, kiên quyết xử lý triệt để đối với những cơ sở chế tác, bày bán sản phẩm đá cảnh không rõ nguồn và yêu cầu dừng các hoạt động bày bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như tàng trữ, chế tác trái phép... Từ đó, dần chấm dứt tình trạng khai thác đá cảnh trái phép trên địa bàn.
Ông Ngô Văn Đức - Chủ cơ sở chế tác đá cảnh ở tổ dân phố Phiêng 2, thị trấn Sơn Thịnh cho biết: Trong những năm gần đây, các hộ chế tác và kinh doanh sản phẩm đá cảnh đều được huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai.
Đặc biệt, hàng năm huyện thành lập các đoàn kiểm tra, xác minh nguồn gốc đá, nếu cơ sở nào không xác minh được sẽ bị xử phạt. Vì vậy, dần dần chủ các cơ sở cũng không dám mua của người dân trên bản, vì biết đó là đá khai thác trái phép.
“Hơn nữa, do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế khó khăn nên lượng khách mua các sản phẩm từ đá giảm đi rất nhiều. Hiện tại gia đình tôi vẫn đang tận dụng nguồn đá còn tồn từ những năm trước để làm và bán chứ không dám mua thêm”, ông Đức chia sẻ.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra huyện được chia làm 3 đợt, thời gian kiểm tra bắt đầu từ tháng 5-12/2024. Đoàn sẽ tiến hành rà soát, kiểm kê tất cả khối lượng đá cảnh bao gồm cả chế tác và chưa qua chế tác tại các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Suối Giàng, xã Đồng Khê và thị trấn Sơn Thịnh.
Đồng thời, kiểm tra thủ tục, hồ sơ liên quan đến chế tác, sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ; cân tải trọng tất cả khối lượng đá để xác định đúng khối lượng đá cảnh có hồ sơ hợp pháp. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tàng trữ, chế tác, kinh doanh, bày bán sản phẩm, môi trường, khoáng sản, điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, sẽ lập biên bản kiểm tra, biên bản vụ việc, biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ tang vật (nếu có).
Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Trong thời gian qua, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là quản lý hoạt động khai thác đá cảnh trái phép trên địa bàn huyện.
Năm 2024, huyện tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra xác minh và làm rõ nguồn gốc, các điều kiện kinh doanh đá tại các cơ sở chế tác đá. Huyện sẽ xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thông tin thêm, song song với việc kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở chế tác đá, bày bán các sản phẩm từ đá huyện bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại con đường độc đạo vào thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng nghiêm cấm không để các đối tượng lợi dụng vận chuyển, tẩu tán đá đem đi tiêu thụ. Đồng thời, tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện cam kết không khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Qua quan sát của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát.
Đặc biệt, khi huyện thành lập các đoàn kiểm tra tại cơ sở chế tác và đặt chốt kiểm soát tại thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng hoạt động khai thác, vận chuyển đá cảnh trái phép qua khu vực này đã "lắng xuống”. Từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.