Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi cho hay, hiện trên địa bàn có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như: Mô hình chuyển giao giống lợn có nguồn gốc Đan Mạch được ứng dụng tại HTX Tiên Phong, mô hình chăn nuôi bò sữa tại Hợp tác xã (HTX) TM-DV-SX Tân Thông Hội…
Ngoài ra, huyện Củ Chi cũng đã tổ chức phân loại tại nguồn. Từ tháng 4/2018, thị trấn Củ Chi cùng với 6 xã khác, là: Tân An Hội, Tân Thông Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ, Phước Thạnh và Phước Vĩnh An được chọn để thực hiện thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Mỗi địa phương, ấp, khu phố đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, nhờ đó, người dân bước đầu đã có ý thức phân loại rác. Đến nay, tại thị trấn Củ Chi có khoảng 60% hộ dân thực hiện phân loại rác sinh hoạt hàng ngày.
Vừa qua, trong buổi khảo sát phân loại rác tại nguồn tại Củ Chi, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Tấn Tuyến cho rằng, Củ Chi đã có những cách làm hay trong vận động người dân thay đổi thói quen để thực hiện phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường sống, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp bền vững.
Theo ông Thái Quốc Dân - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM TP.HCM, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ và thường xuyên của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đặc biệt là cộng đồng dân cư địa phương.