Công viên địa chất toàn cầu: Giá trị của đất nước

02/02/2019 19:30

(TN&MT) - “Mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào lại trào dâng khi những giá trị của đất nước, dân tộc được ghi nhận ở tầm quốc tế và đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại”. Đó là chia sẻ đầy xúc động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ đón nhận Giấy chứng nhận Công viên Địa chất Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) của UNESCO.

ND51a
Công viên địa chất núi lửa Krông Nô (Đắk Nông). Ảnh: MH

Khai mở giá trị tiềm ẩn

Công viên địa chất là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là CVĐCTC.

TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, một công viên địa chất đáp ứng cho việc phát triển kinh tế xã hội đó là sự bền vững về mặt văn hóa và môi trường. Điều này tác động trực tiếp lên khu vực bởi sự cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường nông thôn, như vậy, nó tăng cường nhận dạng dân số trong khu vực và tạo nên sự phục hồi văn hóa.

Những lợi ích khi một công viên địa chất được UNESCO công nhận là CVĐCTC là không thể phủ nhận. Du lịch được tăng trưởng; tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân…

Việc cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là CVĐCTC năm 2010 và công nhận lại vào năm 2014 là minh chứng cụ thể. Chỉ từ năm 2012 đến năm 2015, ngành du lịch Hà Giang tăng trưởng vượt bậc. Lượng du khách đến công viên địa chất tăng bình quân 20% mỗi năm. Năm 2015, địa danh này đón trên 300.000 khách du lịch, tỷ lệ khách quốc tế ngày càng tăng.

TS. Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban Quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Với sự phát triển du lịch, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Nông, thủy sản, các loại rau, hoa quả, thịt trâu bò... có sự tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt là có sự tăng cường kết nối nông sản của cư dân địa phương với các thị trường khác qua thông tin của du khách và sự tham gia của các doanh nghiệp”.

ND51d
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: MH

Kinh tế, du lịch của tỉnh Cao Bằng cũng phát triển đáng kể khi Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐCTC. Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng cho biết, ngay sau khi được công nhận, Cao Bằng đã xây dựng 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng. Cùng với đó, đầu tư hoàn thiện các hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch trong vùng CVĐCTC; tập trung đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã sản xuất, bảo tồn nghề truyền thống đảm bảo theo chất lượng, tiêu chuẩn, cung ứng sản phẩm cho khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, với những đặc trưng riêng biệt, nhờ đó sản phẩm du lịch của cao Bằng có sức cạnh tranh cao, được khách du lịch ưa chuộng.

Việt Nam sẽ có nhiều công viên địa chất toàn cầu

Tại một cuộc họp về bảo tồn và phát triển CVĐCTC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung đã khẳng định, CVĐCTC là một danh hiệu cao quý của UNESCO. Nhưng hơn cả một danh hiệu, đây là một mô hình phát triển bền vững. CVĐCTC chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức cộng đồng, Công viên địa chất toàn cầu đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy KT - XH phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Chính vì vậy, CVĐCTC đã thu hút và được sự ủng hộ ngày càng đông đảo của cả nước.

Trước thành công của Hà Giang, Cao Bằng, nhiều tỉnh có tiềm năng đã có nguyện vọng tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập mạng lưới công viên địa chất quốc gia, quốc tế và mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của UNESCO, các cơ quan đầu mối về công viên địa chất, các nhà khoa học, quản lý… để xây dựng Công viên núi lửa Krông Nô thành công viên địa chất tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Bà Hạnh cho rằng, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) với dãy Nâm Nung hùng vỹ, được xem là nóc nhà của Đắk Nông với mái nhà phía bắc nghiêng về dòng Sêrêpốk, mái nhà phía Nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai. Đây là quần thể di sản thiên nhiên phong phú, di sản địa chất núi lửa độc đáo, đủ tiêu chí để trở thành CVĐCTC.

Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi mong muốn, cần có đầu mối quản lý mạng lưới công viên địa chất quốc gia để thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐCTC. Theo ông Thích, nên xem đây là hoạt động cần thiết và đưa ra xem xét khi trình hồ sơ đề nghị công nhận CVĐCTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên địa chất toàn cầu: Giá trị của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO