Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn: Gập ghềnh tìm hướng khai thác

02/04/2015 00:00

(TN&MT) - Cùng với các cấp chính quyền, người dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đang trăn trở tìm đường bảo tồn và khai thác "mỏ vàng" lộ...

(TN&MT) - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là một trong 91 Công viên địa chất toàn cầu năm 2010 và tái công nhận năm 2014. Là “báu vật” về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa vô giá của quốc gia và thế giới. Cùng với các cấp chính quyền, người dân nơi đây đang trăn trở tìm đường bảo tồn và khai thác “mỏ vàng” lộ thiên này một cách bền vững nhất.
 
Báu vật quốc gia
 
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù - Khau Vai - Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn).
 
Theo TSKH. Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện ĐC&KS cho biết, Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất - địa mạo, trong đó đặc biệt là các nhóm si sản cổ sinh - địa tầng - cổ môi trường và địa mạo - kiến tạo,  xứng đáng là một bảo tàng tự nhiên sinh động bậc nhất về các kiểu dạng địa hình địa mạo. Không những có giá trị to lớn về nghiên cứu địa chất, "Vương quốc đá" Đồng Văn còn lưu giữ nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, như Khu vực bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu bảo tồn và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca. Trong hệ thực vật, đáng chú ý là cây Thông Đỏ có đường kính tới 70cm, sống lâu năm nhất ở khu vực phía Bắc. Cùng với một số loài cây đã đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được xếp ở cấp R (cấp hiếm) như cây Bảy lá một hoa, cây Đỉnh Tùng... Về nguồn gen động vật nuôi bản địa tiêu biểu là lợn, bò, gà, đặc biệt là gà xương đen.
 
 
Người dân mong mỏi được khấm khá nhờ “tài sản” này
Người dân mong mỏi được khấm khá nhờ “tài sản” này
 
 
Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn : Kể từ khi được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu năm 2010 đến nay, huyện Đồng Văn đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của Cao nguyên đá Đồng Văn nhất là trong năm 2014, đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về Bảo tồn, phát huy các giá trị Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2014 - 2020 và Chương trình hành động về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn huyện năm 2014, định hướng đến năm 2020. Song hành với đó, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai một số chương trình quảng bá hình ảnh qua kết nối trang web của Ban quản lý Công viên địa chất Đồng Văn với các trang điện tử của các cơ quan truyền thông, du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các đại sứ quán các nước tại Việt Nam nhằm đưa thông tin về vùng Cao nguyên đá đến gần hơn với khách du lịch. 
 
Người dân là trung tâm của “bảo tồn và phát triển”
 
Với quan điểm xuyên suốt là "Bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn", trong đó, chú trọng đến vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bào tồn và phát huy giá trị của cao nguyên đá, đồng thời tạo nét riêng biệt, độc đáo cho du lịch Hà Giang. 
 
UBND tỉnh Hà Giang đã quy hoạch xây dựng khu dân cư ở các vùng lõm, vùng đệm, vùng biên giới, hạn chế việc người dân phá đá tuỳ tiện để làm nhà, làm ảnh hưởng đến cảnh quan địa chất của các khu vực này. 
 
Ngoài tuyên truyền, quảng bá và bảo vệ di sản địa chất, Hà Giang đang phối hợp với các cấp, ngành địa phương sưu tầm, khôi phục văn hoá truyền thống các dân tộc với kế hoạch và chính sách đầu tư cụ thể để khuyến khích phát triển đội ngũ nghệ nhân nhằm sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục giá trị văn hoá dân gian vô cùng phong phú... Kết hợp với đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng các điểm du lịch, loại hình du lịch để giới thiệu cho khách du lịch đến Hà Giang như: Du lịch thăm quan Nhà Vương ở Sà Phìn, Cột cờ Lũng Cú; đêm Phố cổ và hương vị của bánh tam giác mạch, thắng cố, cháo ấu tẩu;  tham gia vào Lễ hội khèn Mông được duy trì tổ chức mừng Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 hàng năm; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô và dân tộc Cờ Lao; Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo…
 
Đây là chủ trương chung để hướng tới sự phát triển bền vững trong việc xây dựng CVĐC toàn cầu một cách bền vững. Bước đầu, những hoạt động trên cũng có kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2014 lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 650.000 lượt người tăng 25% so với năm 2013, trong đó, khách quốc tế đạt 120.000 lượt, khách nội địa đạt 530.000 lượt người, doanh thu ước đạt gần 600 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2015 lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt khoảng 800.000 lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 250.000 lượt. 
 
Vừa bảo tồn được giá trị tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng, vừa khai thác kinh tế bền vững trên giá trị đó. Cách làm này của Hà Giang đang được cho là đúng hướng và bền vững, là mô hình điểm để nhiều khu vực trong cả nước xây dựng công viên địa chất có thể học hỏi và phát triển trên những tiềm năng của di sản địa chất mang lại.
 
Bài và ảnh: Minh Anh
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn: Gập ghềnh tìm hướng khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO