Cơ sở xử lý rác sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường nào?

10/09/2018 15:47

(TN&MT) – Tôi vừa thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đang muốn đấu thầu để xử lý rác thải sinh hoạt của huyện. Trước đây, trên địa bàn huyện chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng theo đánh giá của người dân thì họ hoạt động không hiệu quả. Nếu bây giờ doanh nghiệp của tôi tham gia đấu thầu để xử lý rác tại địa phương thì khả năng trúng thầu rất cao. Xin hỏi, để được tham gia đấu thầu, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tôi phải đáp ứng những yêu cầu bảo vệ môi trường như thế nào (các yêu cầu về thành lập doanh nghiệp chúng tôi đã đáp ứng đủ).

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu có quy định cụ thể về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 21. Theo đó, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.

-  Có hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), khu vực lưu giữ tạm thời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

-  Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

-  Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.

-  Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt về kế hoạch vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt không quá 06 (sáu) tháng.

xu ly rac thai nong thon
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Các yêu cầu trên không áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 21 cũng quy định rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với: Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;  Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn liên tỉnh; Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với xử lý chất thải nguy hại (thay thế bằng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn nội tỉnh.

Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau: Trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm; Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều giai đoạn thì được nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho từng giai đoạn của dự án.

Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ thì phải nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh, xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh xác nhận theo quy định.

Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp thông thường thì việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được tích hợp với nhau.

Lưu ý, việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định này không áp dụng đối với các trường hợp sau: Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đi vào hoạt động và đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; Tự sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở; Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong môi trường thí nghiệm.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở xử lý rác sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO