Biển đảo

Giữ xanh “quần đảo bão tố” - Bài cuối: Rác đại dương cập cảng đất liền

Mai Thắng - Số 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11, TP. Vũng Tàu 05/11/2024 - 09:54

(TN&MT) - Xác định bảo vệ môi trường biển không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn là một trong những nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, các đơn vị Vùng 2 Hải quân đã và đang nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường biển bằng nhiều việc làm thiết thực.

Vớt rác thải đại dương

Gặp cựu chiến binh - Thượng tá Trương Văn Hoàn - nguyên Phó Thuyền trưởng quân sự tàu HQ-624 của Lữ đoàn 171 vào những năm 1994 - 1999 để tìm hiểu về những lần tàu của anh vớt rác thải từ đại dương đem về đất liền, anh Hoàn cười nói: "Tàu của chúng tôi làm nhiệm vụ vận tải quân sự quốc phòng và trực bảo vệ nhà giàn DK1. Thời ấy chúng tôi chưa có nhiệm vụ "vớt rác thải đại dương đem về đất liền", song, mỗi lần thay quân, anh em đều tranh thủ thu gom rác thải đem về đất liền xử lý. Cứ nghĩ giữa biển khơi thì rác thải đâu ra? Nhưng không, rất nhiều. Rác thải từ tàu thuyền, từ lưu chuyển các vùng biển khác đến. Nói chung rác thải ở đại dương do con người thải ra chứ không tự nhiên sinh ra" - anh Hoàn khẳng định.

12b.png
Bộ đội chuyển rác lên tàu.

Anh Hoàn kể, tàu HQ-624 của anh trực thuộc Hải đội 812 của Lữ đoàn 171 Hải quân. Những năm 1994 - 2009, cứ hai tháng 1 lần, anh nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu vượt sóng ra trực an ninh tại vùng biển DK1. Lúc ra khơi, tàu chở gạo, hàng quân nhu, nước ngọt, đất trồng rau xanh; khi về, tàu chở rác thải vào bờ. "Rác thải được chúng tôi thu lượm trên biển hoặc từ tàu cá của ngư dân. Sau mỗi chuyến hành trình, lượt về, cán bộ chiến sĩ thấy có rác là vớt, thấy tàu cá của ngư dân là ghé vô "cho tôi xin rác". Nếp sống đẹp ấy đã thành quen thuộc và duy trì cho đến tận bây giờ"- anh Hoàn cho biết.

"Vùng 2 Hải quân sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển. Cùng với đó là khuyến khích các cơ sở Đoàn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ bằng cách phối hợp với các lực lượng ở địa phương nơi đóng quân thực hiện các công trình, phần việc chung tay bảo vệ môi trường biển, góp phần hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với sức khỏe cộng đồng".

Đại tá Đỗ Hồng Duyên - Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân.

Cựu chiến binh - Trung úy Nguyễn Huy Giáp, nguyên sĩ quan hàng hải Lữ đoàn 171 anh hùng sau thời gian quân ngũ chuyển ngành về làm việc tại tàu lặn của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Công việc của người thuyền trưởng tàu lặn là chỉ huy nhóm thợ lặn sâu xuống đại dương tìm rốn dầu, và sửa chữa các công trình giàn khoan dầu khí. Hàng trăm lần anh Giáp "đối mặt" với rác thải dưới đáy biển. Có khi nhóm thợ của anh mất rất nhiều thời gian để gỡ một mảng lưới lớn quấn chặt vào chân đế giàn khoan trước khi "xử lý độ rò rỉ". Cũng có khi mất 3 giờ đồng hồ để "hốt rác" từ các kẽ san hô ngầm trước khi đưa mũi khoan vào thăm dò "độ phụt" của dầu. Anh Giáp chia sẻ: "Rác đại dương không tự nhiên sinh ra, mà do con người thải ra. Trên mặt biển nhìn sạch sẽ là vậy, nhưng dưới bề mặt đáy biển rất nhiều rác thải, nhất là vùng biển có nhiều tàu thuyền của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản. Rác thải đại dương chủ yếu là lưới, rác thải nhựa... Rác đó không thể phân hủy được, để lâu ngày bám chặt vào san hô, sinh ra chất thải độc, ảnh hưởng đến các công trình khai thác dầu khí cũng như các loại thủy sản sống quanh vùng. Biện pháp duy nhất góp phần làm sạch biển là trục vớt rác đại dương đưa về đất liền. Nhiều năm qua, mỗi lần nhóm thợ của chúng tôi làm việc dưới chân đế giàn khoan hoặc lặn sâu địa chấn, anh em đều có ý thức vớt rác thải. Công việc hoàn toàn tự giác như một nếp sống đẹp"- anh Giáp chia sẻ.

Gom rác thải, chở về đất liền

Cùng chung ý thức bảo vệ đại dương xanh, 35 năm qua, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 luôn ý thức "gom rác thải chuyển về bờ xử lý" không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là việc làm ý nghĩa, là nếp sống đẹp, được duy trì thường xuyên qua nhiều năm.

12a.jpg

Đối với rác thải nhựa rắn, chai, lọ, gỗ, túi ni lông sinh hoạt hằng ngày thải ra, anh em dồn đóng trong bao tải. Hai tháng 1 lần vận chuyển xuống tàu để chở về đất liền xử lý. Mùa biển động, không chuyển rác xuống tàu được, bộ đội nhà giàn dồn lại bao tải, xếp gọn tại sàn công tác, chuyển xuống tàu đem về đất liền khi thời tiết thuận lợi" - Trung tá Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 Nguyễn Trung Đức cho biết

Trung tá Đức cho biết thêm, thời gian gần đây, rác thải từ các vùng biển khác theo sóng, gió trôi về và do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển khi khai thác hải sản trên biển ngày càng nhiều. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn DK1 đã tích cực kêu gọi bộ đội trên 15 nhà giàn tăng cường thu gom, xử lý rác thải nhằm chung tay bảo vệ môi trường biển. Những loại rác thải rắn, khó phân hủy như nhựa, túi ni lông... được đập nhỏ, ép mỏng, đóng bao, sau đó sẽ gửi theo các tàu cấp hàng chuyển vào bờ xử lý. Trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sử dụng gậy dài, đầu buộc câu liêm để vớt bao ni lông bị sóng đánh dạt vào chân đế nhà giàn. Ngoài ra, 100% chi bộ nhà giàn DK1 còn phát động phong trào "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần" và "Bảo vệ một môi trường biển xanh - sạch".

Sống ở biển nhiều năm thấy được nguy hại của rác thải đối với đại dương và đời sống con người, Trung tá Lương Hữu Nhuần - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 luôn ý thức "bảo vệ đại dương xanh là bảo vệ chính mình". Trung tá Nhuần chia sẻ, trước đây, lương thực, thực phẩm từ đất liền chuyển ra như thịt heo, gạo, đậu, các loại gia vị... chủ yếu được bọc trong các túi ni lông, thì nay được sử dụng bằng bao bì, túi đựng nhiều lần và những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, để tránh tình trạng ngư dân xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào khu vực nhà giàn tránh trú gió, bão, chỉ huy nhà giàn lồng ghép các nội dung tuyên truyền cho ngư dân vừa đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam, tuân thủ các nguyên tắc đánh bắt cá trên các vùng biển truyền thống, đồng thời không xả rác thải xuống biển mà gom lại cho nhà giàn "xin" để tàu chở về đất liền xử lý. "Để bà con hiểu được tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển, chúng tôi vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển bằng cách nói không với hình thức khai thác hải sản bằng cách không nổ mìn, không đổ cặn dầu ra biển và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường biển"- Trung tá Nhuần cho biết.

Chung tay bảo vệ đại dương xanh không chỉ có cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1; mà còn là nhiệm vụ của bộ đội Lữ đoàn 171 Hải quân. Để bộ đội "thẩm thấu" ý nghĩa của bảo vệ môi trường, vào những dịp "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam", "Ngày Đại dương thế giới" và "Tháng hành động vì môi trường" hàng năm, Lữ đoàn đã tổ chức "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh" thu gom rác thải dọc các bãi biển Thùy Vân, Long Cung, Bãi Trước, Bãi Nhái..., đồng thời gặp gỡ, vận động người dân, khách du lịch, đặc biệt là ngư dân và các hộ kinh doanh không xả rác ra biển...

Trên các chuyến tàu thay, thu quân đưa đón cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 - Vùng 2 Hải quân, trên gương mặt những người lính biển đều lộ rõ niềm vui khi được trở về nhà gặp người thân sau chuyến công tác dài ngày trên biển. Tuy nhiên không phải vì thế mà các anh bỏ quên việc vận chuyển rác thải từ các nhà giàn đưa về bờ xử lý. Những chiếc bao tải đựng rác thải to lần lượt được chuyển đưa lên bờ rồi phân loại cẩn thận. Những loại rác có thể tái chế như vỏ lon, chai nhựa... được giữ lại để bán gây quỹ, còn những loại rác có thể phân hủy đều được đưa đến thùng rác gần đó để tiêu hủy theo qui định. Trong trái tim của mỗi cácn bộ chiến sĩ có thêm một niềm vui vì đã chung tay góp phần giữ gìn đại dương xanh, sạch mỗi ngày.

Mai Thắng -

Số 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11, TP. Vũng Tàu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ xanh “quần đảo bão tố” - Bài cuối: Rác đại dương cập cảng đất liền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO