Biến đổi khí hậu

Cơ hội thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo

Vy Huyền 17/10/2024 - 15:55

(TN&MT) - Việc chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo không chỉ đem đến cơ hội tốt để phát huy tiềm năng sẵn có của Việt Nam, mà còn thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghệ liên quan, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng cho quốc gia.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/10/2024 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

toan-canh20241017092925.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

“Sau COP26, chúng ta đã thấy các cam kết quốc gia và doanh nghiệp ngày càng tăng đối với quá trình phi carbon hóa và tính bền vững của môi trường, đặc biệt là về sử dụng năng lượng cho các hoạt động và chuỗi cung ứng. Phong trào toàn cầu này đang đẩy nhanh đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và các tài sản khác để tạo ra một hệ thống điện phi carbon hóa như một xương sống cốt lõi của nền kinh tế năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 là động thái rất rõ ràng và trực tiếp của Việt Nam trong việc quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng. Việt Nam cũng đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững.

img-767820241017093130.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn

Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, khoảng 31% trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam vào năm 2030 và tăng lên 62% vào năm 2050. Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ ràng về chuyển dịch từ cơ cầu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo. Điều này kéo theo sự thay đổi chuỗi cung ứng nguồn cung năng lượng.

Theo ông Goyal, sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường khi có các dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu. Hiện nay, gần 90% nguồn cung linh kiện của các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này.

Theo ông Goyal, chuỗi cung ứng của một số các quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có những yêu cầu về nội địa hóa trong phát triển năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, hoặc có các chính sách khuyến khích hợp tác địa phương trong các dự án năng lượng tái tạo. Indonesia cũng tận dụng trữ lượng niken dồi dào trong nước để sản xuất pin xe điện. Tương tự, Thái Lan có các ưu đãi của chính phủ đã góp phần thiết lập các nhà máy sản xuất linh kiện xe điện, giúp tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng của nước này đạt tới 50 -60 %.

Ông Goyal lưu ý, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.

img_2570.jpg
Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng tại các địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đặc biệt, cần cải thiện các nút thắt về chính sách, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực trước khi nhân rộng sang các dự án thương mại...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khâu tiềm năng, tạo ra lợi nhuận nhất như sản xuất, phân phối, còn lại những khâu như truyền tải, tiêu thụ nên là các doanh nghiệp Nhà nước... Quá trình chuyển đổi năng lượng, Việt Nam cần dựa vào những ưu thế đang có về thủy điện và có lộ trình chuyển đổi phù hợp với nhiệt điện than.

Nêu nhu cầu từ phía doanh nghiệp, ông Hà Mạnh, Tổng Giám đốc điều hành của May 10 cho biết: Do đặc thù điện năng lượng mặt trời phụ thuộc thời tiết và điều kiện cơ sở hạ tầng của từng doanh nghiệp, nếu thực hiện hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, tỷ lệ cung ứng điện sạch cho sản lượng điện tiêu thụ chỉ đến 30%. Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm thêm nguồn cung ứng về năng lượng sách khác. Gần đây, Chính phủ đã có Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng, chứng minh nguồn cung ứng điện sạch phục vụ cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao đảm bảo tiến trình xanh hóa của doanh nghiệp, đồng thời chứng minh cho các khách hàng đối tác, ông Hà Mạnh cho rằng, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy hiện thực hóa thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người sử dụng điện năng và nhà cung ứng điện năng sạch.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã phân tích sâu thêm về các khó khăn, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn cung năng lượng tại Việt Nam. Đặc biệt, chính sách giá điện cũng cần linh hoạt hơn để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các giải pháp không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn đảm bảo thực hiện cam kết net-zero đúng lộ trình, tạo ra một hệ sinh thái năng lượng minh bạch, bền vững và hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO