Doanh nghiệp - doanh nhân

Cơ hội mới cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Tiến Trung 20/08/2024 - 11:15

Nhiều chuyên gia nhận định, làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất mạnh mẽ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia chính là cơ hội mới cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng 9,5%, trong đó điện tử là ngành then chốt. Đặc biệt, Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp công nghệ cao.

Nhiều nhà cung ứng của Việt Nam cho biết, xu hướng các tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm đơn vị cung ứng trong nước đang tăng lên. Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TPHCM (JETRO) chia sẻ, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.

1.jpg
Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các Tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giày đạt 45 - 50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), thời gian qua, Việt Nam liên tục đón các doanh nghiệp FDI đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đầu chuỗi từ châu Âu, châu Mỹ hay một loạt nhà cung ứng cấp 1 của Apple. Đặc biệt, các “ông lớn” này không chỉ đặt vấn đề tìm kiếm một, hai nhà cung cấp mà đều muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam. Đây chính là kỳ vọng để doanh nghiệp Việt phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

2.jpg
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần chủ động kết nối, hợp tác với nhau để phát triển chuỗi cung ứng cạnh tranh

Ngoài nỗ lực cải tiến sản xuất và tăng năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần chủ động kết nối, hợp tác với nhau để phát triển chuỗi cung ứng cạnh tranh. Các nhà sản xuất đầu cuối đang có xu hướng yêu cầu nhà cung ứng trong nước hoàn thiện cả chuỗi linh kiện đa chi tiết thay vì chỉ dừng lại ở những linh kiện riêng lẻ như trước đây.

Những yêu cầu kỹ thuật cao, khắt khe mà nhiều doanh nghiệp trong nước với phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, khó có thể đáp ứng hoặc kiên trì đeo bám. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp một, cấp hai và cấp ba còn hạn chế.

Ngay cả khi đã đạt yêu cầu về chất lượng và chủng loại sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt cũng thừa nhận rất khó cạnh tranh về giá so với các đối thủ ngoại, nhất là từ Trung Quốc với quy mô sản xuất lớn.

3.jpg
Bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị

Trong nhiều hội thảo bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của đơn vị mua hàng thì có thể cải thiện được.

Ngoài việc cần phát triển chuỗi, hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tốt thì rất cần có những “con sếu” đầu đàn mạnh để dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ cho nhà sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa. Tuy còn nhỏ bé nhưng các công ty lại là một phần thiết yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam.

Để thúc đẩy chính sách phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ với vai trò là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, các địa phương đang tích cực xây dựng những chương trình tăng cường hợp tác ngành, giữa ngành, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp cung ứng và cơ quan nhà nước.

Từ đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia bền vững vào mạng lưới toàn cầu của nhiều doanh nghiệp FDI; cũng như chia sẻ ứng dụng của hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mới cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO