Xã hội

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị nông phẩm

Thanh Ngà (thực hiện) 29/03/2024 - 17:08

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này PV Báo TN&MT đã trao đổi với bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải.

z5295309219128_bafbdc7654f7bd7f5d017d89f99fdee2.jpg
Bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải.

PV: Trước tiên, xin bà cho biết kết quả giảm nghèo của huyện trong năm 2023 vừa qua!

Bà Lương Thị Xuyến: Trong năm 2023, huyện giảm 9,83% so với năm 2022, cuối năm 2022 toàn huyện còn 6.344 hộ ,tương đương 48,28%; đến cuối năm 2023 toàn huyện có 5.166 hộ, tương đương 38,45% giảm 1.178 hộ.

Đối với những hộ cận nghèo trong năm 2023 giảm 2,59% so với năm 2022, cuối năm 2022 số hộ cận nghèo còn 1.452 hộ, tương đương 11,05%; đến cuối năm 2023 số hộ nghèo còn 1.136 hộ, tương đương 8,46% giảm 316 hộ.

PV: Thưa bà! Để đạt được kết quả đó, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp bà con thoát nghèo. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân huyện đã có chính sách hỗ trợ người dân ra sao?

Bà Lương Thị Xuyến: Trong thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời và đúng quy định.

psnamkhat.mp4.00_01_33_14.still009.jpg
Nhiều hộ dân của huyện vùng cao Mù Cang Chải đã chuyển đổi thành công các loại cây trồng phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo cho người dân góp phần thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là người dân đã phát huy tinh thần tự lực, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục duy trì và nhân rộng phong trào “Tự nguyện đăng ký thoát nghèo” trên địa bàn huyện theo hướng thực chất, hiệu quả.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện tích cực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế. Trong năm 2023 hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng cây lê cho 311 hộ với 84,1ha hộ; hỗ trợ 93 con trâu cho 93 hộ dân; hỗ trợ 128 con bò cho 128 hộ dân; hỗ trợ 335 con dê cho 67 hộ dân. Cùng với đó, huyện hỗ trợ 367 nhà cho các hộ gia đình khó khăn về nhà, trong đó, có 234 nhà làm mới và 133 nhà sửa chữa với tổng vốn đã phân bổ 12.230 triệu đồng. Mặt khác, hỗ trợ đào tạo nghề lao động cho nông thôn với 263 học viên.

PV: Được biết, huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, phong tục tập quán lạc hậu. Vậy trong quá trình triển khai huyện đã gặp những khó khăn gì? Với những khó khăn đó huyện đã có giải pháp như thế nào?

Bà Lương Thị Xuyến: Trong quá trình giảm nghèo huyện gặp nhiều khó khăn do phong tục tập quán lạc hậu, rất nhiều hộ không làm nhà vệ sinh, nuôi nhốt gia xúc gần nhà ở.

Để khắc phục tình trạng đó, huyện đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, kế hoạch, mục tiêu phấn đấu của huyện để người dân nâng cao nhận thức. Giúp người dân nhận thức rõ, người dân là chủ thể của giảm nghèo bền vững, chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xây dựng được ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân.

Cùng với đó, huyện huy động cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng thoát nghèo, xây dựng và nhân rộng mô hình tổ hợp tác hoặc tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp các hộ khá hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế.

z4165525470795_833dd5c6661b918f7f81b11894297a3d.jpg
Huyện tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế.

Hạn chế cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, cho vay, hỗ trợ vốn gián tiếp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững, không tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

PV: Để công tác giảm ngheo tiếp tục mang lại hiệu quả, huyện có kế hoạch ra sao? Thưa bà!

Bà Lương Thị Xuyến: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn huyện, từng xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện sẽ phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ các mô hình sinh kế… nhằm cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động vì người nghèo trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 955 hộ nghèo tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thoát nghèo trong năm 2024.

Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Năm 2024, huyện sẽ đào tạo nghề cho 175 lao động; giải quyết việc làm 335 người; chuyển dịch 80 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị nông phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO