Tang vật thu được của vụ án |
Theo kết luận Thanh tra số 13/KL-TTr, qua đối chiếu với bản đồ, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện rừng do BQLRPH Chư Mố bị chặt phá, lấn chiếm kéo dài nhiều năm liền với tổng diện tích là 1.470ha, trong đó rừng tự nhiên là 1.442 ha, rừng trồng là hơn 27 ha.
Phần diện tích 1.442 ha rừng tự nhiên bị chiếm, BQLRPH Chư Mố đã lập được 671 biên bản vi phạm với diện tích trên 102 ha. Trong đó có 512 biên bản xác định được đối tượng, 159 biên bản không xác định được đối tượng. Đối với diện tích 27 ha rừng trồng bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy, trồng cây điều, do bị chết nên không đủ tiêu chí thành rừng do đó BQLRPH Chư Mố đã đưa ra ngoài quy hoạch.
BQLRPH Chư Mố đã giải trình lý do mất rừng là do lâm phần quản lý của đơn vị rộng, trải dài qua các xã Chư Mố, Ia Kdăm (huyện Ia Pa) và xã Yang Nam (huyện Kông Chro). Trong lâm phần quản lý, đường mòn qua lại nhiều, đặc biệt là tuyến đường khai thác chì, kẽm của Công ty TNHH Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra vào rừng dễ dàng. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, trong khi người lấn chiếm rừng tinh vi, canh giờ nghỉ trưa, buổi tối khi chặt phá đều có người canh đường, sử dụng điện thoại để báo tin nhanh chóng.
Do vậy, khi lực lượng bảo vệ rừng tuần tra phát hiện, lập biên bản ngăn chặn thì không xác định được đương sự, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện BQLRPH Chư Mố sai phạm trên 182 triệu đồng. Đó là việc thanh toán tiền phụ cấp thu hút không đúng quy định với số tiền hơn 34 triệu đồng; thanh toán tiền hội nghị, tuyên truyền, xăng đi công tác không đúng quy định với số tiền gần 10 triệu đồng. Dù để mất hơn 660 ha rừng, BQLRPH Chư Mố vẫn kê khai để tiếp nhận kinh phí dịch vụ môi trường với số tiền hơn 53 triệu đồng.
Trong năm 2018, tại 5 tiểu khu 821, 1181, 1186, 1190, 1192 diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm là hơn 211 ha. Tuy nhiên, BQLRPH Chư Mố vẫn chi trả và quyết toán tiền khoán bảo vệ rừng cho người dân nhận khoán với số tiền không đúng quy định hơn 84 triệu đồng...
Theo cơ quan Thanh tra, trách nhiệm sai phạm tài chính chính thuộc về Trưởng ban và kế toán BQLRPH Chư Mố; các Sở Tài chính, Sở NN-PTNT… có trách nhiệm trong việc phê duyệt dự toán, quyết toán hàng năm của BQLRPH Chư Mố nhưng không phát hiện sai sót để chấn chỉnh. Ngoài ra, ngoài BQLRPH Chư Mố phải chịu trách nhiệm vì để mất rừng, còn có Sở NN-PTNT; cấp ủy, chính quyền hai huyện Ia Pa và Kông Chro.