3 việc cần làm ngay
Để triển khai nội dung của Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tiếp nhận và triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn.
Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, trên cơ sở đó tổ chức các cuộc họp, làm việc với với các Bộ: Tư Pháp, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công Thương và Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi Công văn số 825/BTNMT-TCMT tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn và gửi về Bộ. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp đi khảo sát và làm việc với tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Bình để nắm bắt về công tác quản lý chất thải rắn của địa phương.
Căn cứ trên ý kiến của các Bộ và đơn vị liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nhanh chóng hoàn thiện báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ và phương án thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải để trình Chính phủ.
Tới đây, Bộ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước. Nội dung kiểm tra tập trung vào rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn tại các địa phương, công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn; các cơ chế, chính sách về quản lý chất thải do các địa phương ban hành; các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng; vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động xử lý chất thải rắn gây ra; đơn giá, định mức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; các vấn đề “nóng” trong xử lý chất thải rắn tại các địa phương; các vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn.
Trong quá trình rà soát, đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ mời một số chuyên gia trong nước và của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như JICA, KOICA, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, UNDP.... để tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc rà soát, đánh giá dự kiến sẽ kết thúc trước tháng 6 năm 2019.
Sau khi có kết quả rà soát, đánh giá tình hình quản lý chất thải trên toàn quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn; xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Kiến nghị giải quyết vướng mắc
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, để thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, Bộ TN&MT đã giao cho Tổng cục Môi trường nhiều nhiệm vụ. Trong đó, có rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn. Qua rà soát cho thấy, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đang có những giao thoa về trách nhiệm quản lý giữa Bộ TN&MT và các Bộ khác.
Đơn cử như việc giao Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất CTR sẽ dẫn đến những giao thoa, chồng chéo, thiếu thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn. Bộ TN&MT được giao quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp. Với các quy định này, hiện nay chưa rõ đơn vị chịu trách nhiệm quy định chi tiết về xử lý chất thải rắn thông thường phát sinh trong hoạt động nông nghiệp.
Trong xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Bộ TN&MT chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải) và chất thải nguy hại; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý chất thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải v.v.) đang được giao cho Bộ Xây dựng (tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở xử lý chất thải rắn rắn sinh hoạt, chất thải được tái sử dụng cho hoạt động xây dựng) và các Bộ chuyên ngành (tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các công trình lưu giữ chất thải, chất thải được tái sử dụng cho hoạt động quản lý chuyên ngành).
Bên cạnh đó, còn sự bất cập trong phân công trách nhiệm xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về quản lý chất thải rắn; tổ chức định kỳ đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình chất thải rắn; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn; trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý chất thải rắn, công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến chất thải rắn; xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải rắn; thẩm định, đánh giá công nghệ trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
Để thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, Tổng cục Môi trường đề xuất Bộ TN&MT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn như sớm xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường; cho phép nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về một số công cụ kinh tế trong quản lý chất thải rắn; huy động nguồn lực từ xã hội; Nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của các vùng, miền; luật hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách về chống rác thải nhựa, kiểm soát và xử lý rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa; giao Bộ TN&MT tiến hành rà soát lại các quy hoạch về quản lý chất thải rắn; tổ chức triển khai đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của các vùng, miền, có thuê tư vấn quốc tế để đảm bảo công nghệ xử lý đạt các yêu cầu, chuẩn mực của quốc tế…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa các văn bản luật có liên quan đến quản lý chất thải rắn. Đồng thời hoàn thiện, bổ sung vào báo cáo những vấn đề liên quan đến tài chính như: Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước cũng như kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước; chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT phê duyệt các đề án tổng thể, truyền thông, thí điểm thực hiện mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn; bố trí kinh phí để Hội nghị chất thải rắn được diễn ra thành công. Đặc biệt, trong quá trình rà soát, đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn được sử dụng ngân sách để thực hiện việc này. Bên cạnh đó, Bộ TM&MT đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn theo quy trình rút gọn.