Chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển

Thanh Tùng| 31/03/2022 17:11

Thông tin từ nhiều tỉnh, thành miền Trung cho biết, từ 30/3 đến sáng 31/3 xuất hiện mưa to bất thường. Mưa to, biển động khiến hơn 100 ghe, tàu cá ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định bị chìm, hư hỏng, hàng trăm nhà ngập. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra Công điện chỉ đạo ứng phó.

Cụ thể, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, gió giật trong mưa lớn sáng nay đã nhấn chìm hơn 50 tàu ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An. Ba ngư dân mất tích được tìm thấy sau đó. Chỉ riêng xã An Phú, TP Tuy Hòa, có hơn 30 tàu cá bị sóng đánh chìm. Trong đó, hầu hết là tàu neo đậu gần bờ, nhưng do sóng lớn bất ngờ người dân không kịp trở tay.

Ở huyện Tuy An, gần 20 tàu bị chìm, mắc cạn. Khoảng 100 bè nuôi ươm tôm hùm giống ở xã An Ninh Đông bị sóng đánh trôi dạt vào bờ; còn ở xã An Hòa Hải, hơn 2.000 lồng nuôi ươm tôm hùm giống bị thiệt hại.

Chính quyền TP Tuy Hòa và huyện Tuy An đã huy động công an, bộ đội và dân quân cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn giúp người dân, song sóng đang rất lớn việc cứu nạn, tìm kiếm chỉ diễn ra gần bờ. Ở biển Long Thủy (TP Tuy Hòa), nhiều xe cẩu và hàng chục người được huy động để cứu hộ các tàu bị sóng đánh lên bờ, hạn chế hư hỏng khi mưa to sóng lớn kéo dài.

1(2).jpg
Hình ảnh tàu cá bị sóng đánh vỡ tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: baokhanhhoa

Tại Khánh Hòa, 27 tàu ở huyện Vạn Ninh bị sóng đánh chìm, vỡ hoặc mắc cạn. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày một cơn giông lốc lớn kéo về khu vực dọc biển Vạn Ninh khiến ít nhất 27 tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, trong đó xã Đại Lãnh 13 tàu và xã Vạn Long 14 tàu. Không có thiệt hại về người sau trận giông lốc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, dân quân tự vệ tổ chức hỗ trợ người dân cứu kéo tàu. Do tàu bị hư hỏng nặng nên cơ quan chức năng và người dân chủ yếu trục với máy móc và ngư lưới cụ, còn xác tàu chờ sóng yên biển lặng mới tiếp tục thực hiện cứu vớt.

Tại Bình Định, mưa lớn hai ngày qua gây ngập gần nửa mét, khiến sinh hoạt của hàng trăm nhà dân ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, gặp khó khăn.

Sáng nay, ở thị trấn Tuy Phước xảy ra trận mưa lớn kèm lốc xoáy, làm vỡ ngói, bay mái tôn và gãy hai trụ điện ở quán cà phê ở thôn Trung Tín 2. Hai người đang ngồi trong quán bị thương được đưa vào bệnh viện.

Sóng lớn 2-4m từ sáng sớm liên tục đánh thẳng vào bờ biển Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, làm 27 ghe bị chìm, trong đó chủ yếu là ghe nhỏ đánh lưới mành, hai tàu vỏ composite chở khách du lịch.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, tối 31/3, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Từ chiều tối ngày 31/3 đến ngày 1/4, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ 1/4, vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9.

Để chủ động ứng phó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 167/VPTT ngày 31/3/2022 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra.

Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO