Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để giảm thiểu hậu quả thiên tai
(TN&MT) - Bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề cả về người và của. Một số địa phương tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang bị lũ quét sạch cơ sở hạ tầng, sản xuất thất thu đã tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân. Điều này cũng làm giảm đi đáng kể thành quả từ công tác giảm nghèo của các địa phương trong những năm qua
1 lần thiệt hại đẩy lùi cả nền kinh tế
Theo thống kê sơ bộ bước đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã tác động nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương. Đây được đánh giá là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.
Thiên tai đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 81 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP nhiều địa phương chậm lại, dẫn đến GDP cả nước trong năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra. Trong đó, các “đầu tàu” kinh tế miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương như Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.
Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Rất nhiều vấn đề xã hội cần có thời gian khắc phục, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các tỉnh, thành bị thiệt hại sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. Qua chuyến đi khảo sát, kiểm tra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, vấn đề bố trí ổn định dân cư rất cấp bách. Sau thiên tai, hiện còn rất nhiều hộ dân không có nhà ở, bà con rất mong có chỗ ở mới an toàn.
Đối với công việc khôi phục sản xuất, Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, nắm lại tình hình số lượng giống cần để hỗ trợ. Sau thiên tai, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương cũng phải tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng giá trị về kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với các tỉnh miền núi phía Bắc, các cây trồng trong vụ mùa năm nay thì gần như mất trắng. Vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết khâu giống cho bà con khôi phục sản xuất.
Một vấn đề nữa, hiện nay đa phần các xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới như Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái... đều đã bị lũ quét sạch cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bắt đầu tăng lên, thu nhập của bà con lại giảm đi, tiêu chí hạ tầng gần như bị xóa trắng, các tiêu chí về văn hóa, giáo dục cũng bị ảnh hưởng nhiều. Sau chuyến công tác, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổng hợp và báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời để tiếp sức, nhất là xây dựng hạ tầng cho các xã đang xây dựng NTM và các xã đã đạt chuẩn NTM để các địa phương sớm phục hồi và tiếp tục hoàn thiện kịp thời các tiêu chí còn lại trong giai đoạn 2021-2025.
Thích ứng – chuyện cần làm cho hôm nay và tương lai
Có thể nhìn nhận, đợt bão số 3 vừa qua là một phép thử cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai cực kỳ nguy hiểm. Nhìn lại hậu quả bão số 3, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, một trong những bài học đắt giá là các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế.
Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Trận lũ năm nay lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, và là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông.
Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề từ BĐKH, bởi vậy, từ nhiều năm nay, thích ứng với BĐKH luôn là vấn đề trọng tâm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của cả nước, từ Trung ương đến phương.
Các nghiên cứu của Bộ TN&MT đã chỉ ra, với dải ven biển có chiều dài 3.260km và các vùng biển, hải đảo, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến BĐKH và nước biển dâng. Vùng núi phía Bắc và vùng núi ở miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất. Trong khi đó, vùng duyên hải Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, vùng trung du và khu vực Tây Nguyên chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán, thiếu nước và tăng hoang mạc hoá. Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động của ngập lụt do nước biển dâng và sụt lún đất do lún địa chất, giảm lượng phù sa về đồng bằng, và khai thác nước ngầm quá mức.
Những dự báo về tác động cụ thể của BĐKH cho từng vùng, miền, các ngành kinh tế, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu vực đô thị, nông thôn hay những đối tượng dễ bị tổn thương... đều đã được chỉ ra. Kế hoạch Quốc gia thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương để lồng ghép với các hoạt động của Kế hoạch quốc gia, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ.
Hậu quả bão, lũ để lại vừa qua thật sự là một thách thức lớn đối với người dân và chính quyền địa phương, cũng như các ngành kinh tế. Đây cũng là dịp để nhìn lại công tác thích ứng với BĐKH, để chú trọng hơn nữa việc xây dựng tầm nhìn dài hạn tại mỗi địa phương, mỗi ngành hay thậm chí là từng doanh nghiệp, người dân.
Trong bối cảnh những trận thiên tai kinh hoàng có thể lặp lại, thậm chí tần suất thường xuyên hơn, bất thường hơn và nguy hiểm hơn, quyết định đầu tư như thế nào, đầu tư bao nhiêu cho việc nâng cao năng lực thích ứng với tác động của BĐKH là câu chuyện không của riêng ai. Thiệt hại vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ từ từ và giảm dần, thay vì đột ngột, cả gia tài của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tích lũy qua bao năm bị cuốn phăng đi chỉ trong vài ngày bão, lũ.