Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu: Bão đến muộn, lũ phức tạp

Tuyết Chinh| 16/04/2020 10:57

(TN&MT) - Mùa bão năm 2020 có xu hướng muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó, có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Số cơn bão xấp xỉ trung bình nhiều năm

Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

Mưa lớn nhiều vào giai đoạn cuối năm, tập trung ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Tây Bắc Bộ từ tháng 6 - 9 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; riêng tháng 5 và tháng 10 ở mức thấp hơn từ 10 - 25% so với TBNN cùng thời kỳ.

Cơ quan khí tượng phân tích, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, tổng lượng mưa các tháng 5, tháng 7, tháng 8 và tháng 10 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; các tháng 6 và tháng 9 phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN từ 10 - 25%.

Ảnh minh họa

Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ có xu hướng thấp hơn TBNN vào đầu mùa, giảm 20 - 40%, xấp xỉ TBNN vào giữa mùa và cao hơn TBNN vào cuối mùa, cao hơn 15 - 30%.

Trong khi đó, mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với TBNN. Do vậy, tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn cho tới nửa đầu tháng 5. Từ tháng 6 - 9, lượng mưa có xu hướng gia tăng ở khu vực này và phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Đến tháng 10, tổng lượng mưa trên toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30% so với TBNN cùng thời kỳ và khả năng cao mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn so với TBNN.

Dự báo tình hình lũ sẽ phức tạp

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, đỉnh lũ năm các sông Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1, các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, riêng hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới báo động 1.

Trên các sông ở Khu vực Tây Nguyên mùa lũ đến muộn hơn TBNN, các sông ở Trung Bộ tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 - báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, một số sông trên báo động 3, tương đương đỉnh lũ TBNN.

Dự báo, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào tháng 8, 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9, 10; trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11.

Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 - báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2 - 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cho hay, các nhận định vào thời điểm này của các mô hình dự báo về đỉnh lũ trong mùa lũ trên các hệ thống sông hầu hết sẽ ở mức TBNN; tuy vậy, các số liệu thống kê về các năm hạn nặng và lũ lớn trong khoảng 20 năm qua đã cho thông tin ban đầu về diễn biến lũ trong mùa lũ năm nay và năm 2021.

Cụ thể, trong hơn 20 năm qua, ở nước ta đã xuất hiện 10 đợt hạn hán trên diện rộng trong các năm: 1993 - 1994, 1994 - 1995, 1995 - 1996, 1997 - 1998, 2001 - 2002, 2004 - 2005, 2006 - 2007, 2009 - 2010, 2015 - 2016 và 2019 - 2020.

Trong các năm kể trên, lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Đà năm 1996, sông Gianh, sông Thu Bồn năm 2007 và sông Hoàng Long năm 2017; lũ lớn diện rộng trên nhiều sông đã xuất hiện trong các năm 1996, 2002, 2005, 2006, 2008, 2010, 2016, 2017, cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng.

Cần đề phòng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ở Bắc Bộ trong tháng 8 - 9, và có khả năng sẽ dồn dập trong các tháng 10 - 12/2020 ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam. Bão, mưa lớn có khả năng gây lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực này, đặc biệt là miền Trung.

Đặc biệt, trong 15 - 20 năm qua, xuất hiện 4 đợt hạn nặng với chu kỳ lặp lại khoảng 5 năm và  sau đó đều xuất hiện lũ lớn diện rộng. Trong đó, năm 2006 (sau đợt hạn 2004 - 2005), xuất hiện lũ lớn trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, đỉnh lũ 6/9 sông trên báo động 3. Năm 2010 (sau đợt hạn 2009 - 2010), lũ lớn xuất hiện từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 8/9 sông trong khu vực trên báo động 3. Năm 2016 (sau đợt hạn kỷ lục 2015 - 2016), xuất hiện lũ lớn diện rộng từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 6/9 sông trong khu vực trên báo động 3.

Với dấu hiệu thống kê như vậy, có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021. Do đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn khuyến nghị, song song với phòng, chống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay chúng ta cần cần sớm rà soát các phương án ứng phó bão, mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống.

Ý kiến các Chuyên gia về chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu:

GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT): Tuyệt đối không được chủ quan

Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là bước vào mùa mưa, bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Tổng cục Khí tượng Thủy văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc, những người làm dự báo tuyệt đối không được chủ quan, phải luôn có ý thức nâng cao năng lực, không ngừng đổi đổi mới, thường xuyên theo dõi, giám sát và cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết.

GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT)

Các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, chú trọng tới cảnh báo tác động của thiên tai đối với các vùng chịu ảnh hưởng.

Yêu cầu các nhà dự báo phải kiên trì thực hiện “đong đếm” từng kết quả tính toán từ phương án, mô hình khác nhau, “chắt chiu” phân tích từng số liệu quan trắc từ toàn cầu, khu vực đến địa phương để có được bản tin dự báo tốt nhất.

Tuyết Chinh (lược ghi)

TS Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT : Xây dựng kịch bản chi tiết  ứng phó bão lớn

Tổng cục Phòng chống thiên tai đã và đang tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các kịch bản, phương án ứng phó để chủ động thích ứng giảm nhẹ thiệt hại trong các tình huống mưa bão dồn dập trong thời gian ngắn vào cuối năm.

TS Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT

Cụ thể là, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo, cảnh báo cả ngắn hạn và dài hạn để chủ động các phương án ứng phó, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng tàu thuyền, trang thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc và an toàn khi hoạt động trên biển; xây dựng các kịch bản chi tiết đối với các khu vực trú tránh khi xảy ra mưa bão trên diện rộng;

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ bảo đảm an toàn đối với các công trình nói chung, đặc biệt về nhà ở, công trình hồ đập, đê điều, khu dân cư trên đảo, ven biển có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nước dâng, sạt lở ven biển... Tăng cường thông tin, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa bão cho cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương, nhất là lực lượng xung kích cấp xã để tập trung rà soát, xây dựng các kịch bản chi tiết di dời dân ứng phó với bão lớn đến nơi an toàn; chỉ đạo các hộ dân, chính quyền các cấp tổ chức rà soát các trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu để sẵn sàng ứng phó với mưa bão theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.

Khải Minh ( lược ghi)

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học  Cần Thơ: Cần bản đồ dự báo chung cho ĐBSCL

Đối với khu vực ĐBSCL, chúng ta cần phải xây dựng một bản đồ dự báo chung cho đồng bằng, đánh dấu các điểm đen sạt lở lên bản đồ đó giống như điểm đen giao thông đường bộ.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học  Cần Thơ

Thực tế, Bộ TN&MT cũng có một số bản đồ, nhưng cũng cần chi tiết hơn và cập nhật thường xuyên hơn nữa để hạn chế việc cấp phép khai thác cát, điều tiết phương tiện giao thông hoặc xây dựng nhà, cầu cảng cặp các tuyến sông.

Cùng với đó, lập ra các bảng cảnh báo tại những khu vực nguy cơ sạt lở; cân nhắc sử dụng vật liệu mới thay thế cát, thay dần bê tông bằng vật liệu nhẹ trong xây dựng; hạn chế sử dụng cát vào san lấp những công trình lớn; ưu tiên kè mền bằng trồng cây xanh để ứng phó sạt lở.

Lê Hùng (lược ghi)

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH (Bộ TN&MT): Khả năng cao có lũ quét bất thường

Theo đánh giá của chúng tôi, trong năm 2020, nguy cơ lũ quét cũng sẽ diễn biến phức tạp, khả năng cao là sẽ :xuất sớm hơn vào tháng 5 - 6 và số trận lũ quét sẽ nhiều hơn năm 2019, những vùng sẽ thường xuyên có nguy cơ xảy ra là vùng núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH (Bộ TN&MT)

 Khả năng cao là sẽ có lũ quét xảy ra bất thường trong đầu mùa mưa lũ là tháng 5 - 6, nguyên nhân là do sự xuất hiện mưa lớn cục bộ cộng với điều kiện về mặt đệm thay đổi bất lợi (đồi núi trọc; dòng chảy sườn dốc bị chặn, hạn chế bởi cây cối và các công trình; sự phát triển dân cư, kinh tế - xã hội hạn chế, ngăn dòng nước …).

Tôi cho rằng, trong mùa mưa hay khi xảy ra những đợt mưa trái mùa đều có thể gây ra lũ quét ở các quy mô khác nhau, tại nhiều nơi bất kể thời gian nào. Vì vậy, để hạn chế được tác động của lũ quét đối với dân cư và phát triển kinh tế xã hội, rất cần thiết sự chủ động của chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là rà soát dân cư thuộc vùng có có đánh giá lũ quét có nguy cơ cao xảy ra (dựa trên thực tiễn và các nghiên cứu, cảnh báo của các cơ quan nhà nước chuyên trách) để xây dựng các biện pháp di dời. Bên cạnh đó, nâng cao hiểu biết của người dân thông qua các buổi tuyên truyền và tập huấn để người dân có kiến thức tự bảo vệ mình trước thiên tai.

Hoàng Tuyết (lược ghi)

Ông Phạm Hồng Thương - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An: Chuẩn bị 8 kịch bản sẵn sàng ứng phó

Tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 8 kịch bản chi tiết để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm 2020.

Kịch bản 1 là với bão cấp 16 kết hợp với triều cường. Đối với kich bản này, vùng ven bờ biển có gió mạnh từ cấp 16 đến trên cấp 17. Khu vực có nguy cơ tràn ngập, vỡ đê do bão làm nước biển dâng cao gồm có 5 huyện là Thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. Kịch bản này số dân phải di dời, sơ tán là gần 150.000 người.

Kịch bản 2 là bão cấp 15 kết hợp với triều cường. Với phương án này cũng có 5 huyện, thị như kịch bản 1 có nguy cơ ngập lụt và sẽ có trên 100.000 dân phải di dời, sơ tán.

Ông Phạm Hồng Thương - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An

Kịch bản 3 là bão cấp 14 kết hợp với triều cường. Với kịch bản này cũng sẽ có 5 huyện, thị có nguy cơ bị ngập như trong 2 kịch bản trên nhưng số lượng dân cần sơ tán và di dời chỉ là trên 64.000 người.

Với kịch bản 4 và 5 sẽ tương ứng với bão cấp 13 và 12 kết hợp với triều cường và triều cường trung bình. Khu vực chịu ảnh hưởng với nguy cơ ngập lụt vẫn là 5 huyện, thị như các phương án trên nhưng lượng dân phải di dời và sơ tán lần lượt sẽ chỉ là trên 26.000 và trên 18.000 người.

Việc sơ tán dân vùng ngập lụt được xây dựng theo 3 kịch bản tương ứng với kích bản 6,7,8.

Với kịch bản số 6 là khi lũ trên sông Cả tại Nam Đàn đạt đến mức báo động III và báo động khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến 9 huyện, thành, thị như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, TP Vinh... Đối với báo động 3 thì sẽ phải di dời và sơ tán gần 65.000 người; đối với báo động khẩn cấp là khoảng gầ 95.000 người.

Kịch bản 7 là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trên địa bàn các huyện miền núi với 12 huyện, thị và gần 90.000 người dâ phải sơ tán tại chỗ.

Kịch bản số 8 là sự cố hồ đập và xả lũ các hồ chứa lớn dự kiến số người sơ tán đối với các hồ chưa lớn có dung tích 9 triệu m3 trở lên là trên 11.000 dân; đối với hồ chứa lớn có cửa van điều tiết xả là trên 41.000 dân.

Đình Tiệp (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu: Bão đến muộn, lũ phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO