Chủ động phòng chống sạt lở đất đá

20/06/2018 16:49

(TN&MT) - Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã có thể phòng chống giảm nhẹ nguy cơ trượt lở đất đá nhờ các bộ bản đồ về hiện trạng trượt lở đất đá cho khu vực 17 tỉnh và về phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho khu vực 10 tỉnh do Bộ TN&MT xây dựng.

Đây là một phần kết quả của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” vừa được chuyển giao đợt 3 tới các tỉnh. Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Chủ nhiệm Đề án.

Trịnh Xuân Hòa
Ông Trịnh Xuân Hòa

PV: Ông có thể cho biết, giá trị và ý nghĩa của 2 bộ bản đồ về hiện trạng trượt lở đất đá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, tỷ lệ 1:50.000 đối với các địa phương hiện nay?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Hai bộ bản đồ nói trên là 2 trong số 4 bộ bản đồ sản phẩm chính của Đề án được chuyển giao về các địa phương miền núi và các cơ quan có liên quan. Bộ bản đồ Hiện trạng trượt lở đất đá có nội dung chính là cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá đến thời điểm được điều tra và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.

Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương mình, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát. Do vậy, địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ tái xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.

Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã. Do vậy, địa phương và các đơn vị có thể sử dụng bộ bản đồ này làm cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có thể lồng ghép các kế hoạch và biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

ND7
Hệ thống dữ liệu và bản đồ sẽ góp phần nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Ảnh: MH

PV: Trong số 17 tỉnh được xây dựng bản đồ trượt lở đất đá, những khu vực nào đã được xác định là nơi có nguy cơ cao nhất, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Nhìn chung, các tỉnh thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có nguy cơ trượt lở đất đá cao nhất. Theo kết quả đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho khu vực 10 tỉnh miền núi phía Bắc, 6 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 4 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa (12 huyện miền núi) và Nghệ An (11 huyện miền núi) được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá cao. Khu vực 7 tỉnh còn lại (Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh và Quảng Bình) chưa được đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng, tuy vậy, theo đánh giá chung dựa trên các kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng trượt lở đất đá, số lượng và mật độ điểm trượt trên địa bàn miền núi 7 tỉnh này tương đối thấp hơn khu vực miền núi của 10 tỉnh nói trên.

PV: Theo ông, Viện sẽ hướng dẫn sử dụng bản đồ này như thế nào để địa phương áp dụng hiệu quả?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Để thực hiện được các công tác này, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản rất cần Bộ TN&MT, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, các địa phương phối hợp với Viện triển khai các đợt tập huấn cho các chuyên viên được giao trực tiếp quản lý và sử dụng bộ sản phẩm của Đề án và các cán bộ phụ trách về công tác phòng tránh thiên tai tại các cộng đồng dân cư.

Các cán bộ kỹ thuật của Đề án sẽ trực tiếp hướng dẫn cho các chuyên viên thuộc các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, sau đó, các chuyên viên này tiếp tục truyền tải các thông tin, hướng dẫn cho các cán bộ, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc cũng như tới các cộng đồng dân cư địa phương.

PV: Trượt lở đất đá có sự thay đổi theo thời gian, vậy các bản đồ này có được cập nhật thường xuyên không và bằng cách nào, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá được thành lập trên cơ sở thực trạng trượt lở đất đá đến năm được điều tra, khảo sát. Sau thời gian điều tra, trượt lở đất đá vẫn có tiếp tục xảy ra tại các vị trí khác ngoài các vị trí đã được ghi nhận trên bản đồ hiện trạng. Việc cập nhật thông tin cho các bản đồ này vẫn được Đề án thực hiện thông qua các hoạt động phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai tại các tỉnh địa phương vào các mùa mưa báo, nhưng hiện nay còn rất một số hạn chế nhất định.

Do vậy, Đề án rất mong muốn sự phối hợp hơn nữa của các Sở, ban, bgành địa phương các cấp và cộng đồng dân cư với mục đích cập nhật, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở dữ liệu các thông tin về thiên tai này. Hiện nay, Đề án đã và đang đề nghị các địa phương sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian trực tuyến - WebGIS (http://canhbaotruotlo.vn/) hoặc Thư điện tử để cập nhật thông tin thiên tai cho Đề án và cho các địa phương.

Bộ các bản đồ phân vùng cảnh báo được thành lập trên cơ sở kết quả của mô hình dự báo và cảnh báo SMCE kết hợp với một số mô hình mã nguồn mở khác. Dữ liệu đầu vào là các bản đồ các yếu tố thành phần - nguyên nhân gây trượt tại từng khu vực. Các bản đồ thành phần này thể hiện thực trạng về điều kiện tự nhiên - môi trường đến năm thành lập chúng. Do vậy, các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá vẫn có thể thay đổi do sự thay đổi của các yếu tố thành phần.

Hiện nay, Đề án chỉ cập nhật thông tin cho các bản đồ phân vùng đối với các khu vực có bổ sung dữ liệu mới cập nhật hơn về địa mạo, thảm phủ, hiện trạng sử dụng đất, khu vực địa hình bị thay đổi bởi hệ thống đường giao thông mới xây dựng... Việc cập nhật thông tin các bản đồ phân vùng được thực hiện bởi các cán bộ kỹ thuật của Đề án bằng cách chạy lại các mô hình dự báo.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Đề án đã triển khai công tác điều tra cập nhật, bổ sung thông tin hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá cho các xã trọng điểm dựa. Danh sách các xã đã được điều tra cập nhật, hiện nay, đang dựa trên các đề xuất của địa phương 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Ngoài ra, Đề án đã đề xuất hơn 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao để tiếp tục điều tra cập nhật, bổ sung chi tiết. Tuy vậy, việc cập nhật thông tin như vậy chỉ có thể thực hiện được đến thời điểm điều tra, không thể duy trì liên tục sau khi đợt khảo sát kết thúc.

Do vậy, Đề án rất cần sự phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương để cập nhật thông tin thiên tai trượt lở đất đá thông qua hệ thống bản đồ trực tuyến http://canhbaotruotlo.vn/.

PV: Đề án còn kéo dài đến 2020. Thời gian tới, Bộ TN&MT còn triển khai các hoạt động gì, thưa ông? Đến khi hoàn thành toàn bộ Đề án, ông kỳ vọng gì về bức tranh ứng phó với trượt lở đất đá ở miền núi Việt Nam?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Theo đề cương tổng thể, Đề án được dự kiến thực hiện trong 9 năm (2012 - 2020) trên phạm vi 37 tỉnh miền núi Việt Nam. Đề án được chia làm hai giai đoạn, trong đó, dự kiến Giai đoạn I (2012 - 2015) sẽ triển khai tại 22 tỉnh và Giai đoạn II (2016 - 2020) sẽ triển khai tại 15 tỉnh còn lại. Tuy vậy, do một số nguyên nhân khách quan, đến năm 2017, (khi đã kết thúc Giai đoạn I và bước vào Giai đoạn II), Đề án mới hoàn thiện công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cùng một số bản đồ thành phần cho 17 tỉnh và công tác thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất cho 10 tỉnh. Các sản phẩm bản đồ cuối cùng theo quy trình tổng thể của toàn Đề án cho 14 tỉnh này chưa được thực hiện. Với tiến độ triển khai như vậy, Đề án có thể kéo dài lâu hơn.

Tuy vậy, đến khi hoàn thành toàn bộ Đề án, chúng ta sẽ có được một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ về trượt lở đất đá với thông tin chi tiết tới từng vị trí đã khảo sát, một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng trượt lở đất đá trên toàn quốc. Đồng thời, với hệ thống bản đồ phân vùng cảnh báo, các cấp chính quyền địa phương có thể có được có sự đánh giá tổng quan về nguy cơ trượt lở đất đá cho toàn bộ các vùng miền núi Việt Nam; về khả năng xuất hiện trượt lở đất đá theo các ngưỡng mưa được dự báo cho từng khu vực; về các mức độ chịu tổn thương và rủi ro do trượt lở đất đá của các khu vực tập trung dân cư, công trình, nhà cửa, giao thông.

Hệ thống dữ liệu và bản đồ nói trên sẽ góp phần nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, các sản phẩm đó sẽ được sử dụng làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống sạt lở đất đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO