Sạt lở nghiêm trọng
Đà Nẵng là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút du khách khi sở hữu các bãi tắm sạch, được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất hành tinh. Thời gian qua, nhiều đoạn bãi tắm từ Mân Thái đến Sơn Thủy bị xâm thực nặng. Các bãi cát đẹp bị sóng ngoạm đến sát bờ kè, thậm chí có bờ kè bị sóng đánh tan. Theo thống kê của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, những đợt mưa bão đầu năm 2021 đã khiến 6 đoạn bờ biển bị sạt lở nguy hiểm với chiều dài khoảng 0,57km.
Tình trạng sạt lờ bờ biển Đà Nẵng diễn biến phức tạp |
Ông Nguyễn Nam, người dân sống cạnh bãi biển Mỹ Khê kể, chưa năm nào ông chứng kiến cảnh xâm thực bãi biển nặng như vậy. "Như mọi năm, xâm thực đều có và sẽ nhanh chóng được bồi lấp, trả lại bãi biển đẹp như thường. Nhưng gần đây tôi thấy nhiều đoạn bị xâm thực nặng, rất khó trả lại bãi biển như trước".
ThS. Huỳnh Vạn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, chuyên gia của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở bờ biển Đà Nẵng, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc.
“Tôi cho rằng nguyên nhân các đợt xói lở vừa qua chủ yếu là do gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh. Khi gió mùa Đông Bắc tràn xuống gây sóng cao, làm sạt lở bờ biển không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả bờ bờ biển miền Trung. Gió mùa Đông Bắc hoạt động càng mạnh thì mức độ sạt lở ở bờ biển càng cao. Riêng mùa mưa bão năm 2020 và đầu năm 2021, xuất hiện nhiều cơn bão rất mạnh và gió mùa Đông Bắc cũng hoạt động rất mạnh ở miền Trung nên bờ biển bị xói lở, sụt lún như vậy là điều dễ hiểu. Đến mùa gió Tây Nam, cát lại bồi vào lại bãi biển như quy luật bình thường hàng năm. Trữ lượng cát bị cuốn trôi mất trong mùa gió Đông Bắc, được bồi lại trong mùa gió Tây Nam, đây là sự cân bằng bãi cát”, ông Huỳnh Vạn Thắng phân tích.
Theo vị chuyên gia này, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay và lâu dài, sự cân bằng này sẽ mất dần vì nước biển dâng cao. Do đó, về lâu dài, thành phố cần xúc tiến, đẩy nhanh việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó, cần chú trọng mở rộng dải hành lang bảo vệ bờ biển này. Đối với khu vực bãi biển giáp với tuyến đường Võ Nguyên Giáp, cần phải thi công tuyến kè vừa bảo đảm bảo vệ cơ sở hạ tầng ở bên trong, vừa bảo đảm mỹ quan du lịch, nhất là cảnh quan và bãi cát.
|
Cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Võ Nguyên Chương cho hay, qua theo dõi nhiều năm, có thể thấy, tình trạng xói lở bờ biển dọc theo tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh. Đến mùa khô, mùa hoạt động mạnh của gió Tây Nam, bãi cát được bồi trở lại.
Sở TN&MT tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên, kịp thời báo cáo UBND thành phố có các biện pháp xử lý thích hợp cho từng thời điểm cụ thể; hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển...
Về lâu dài, Sở TN&MT sẽ báo cáo UBND thành phố cho chủ trương mời các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá sâu, tổng thể tình hình sạt lở bờ biển và nguyên nhân cụ thể để có giải pháp nhằm chủ động bảo vệ bờ biển và giảm thiểu thiệt hại.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định phê duyệt và công bố Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại các khu vực ven biển và góp phần quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường vùng ven bờ. Theo đó, thành phố thiết lập hành lang bảo vệ có tổng chiều dài bờ biển (được xác định trên đường mực nước thủy triều, cao trung bình nhiều năm) là 73,9km gồm 21 khu vực (63 đoạn bờ biển) trên địa bàn 13 phường thuộc 4 quận ven biển.
Cụ thể, quận Liên Chiểu có 6 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài 20,338km; quận Thanh Khê có 3 khu vực với tổng chiều dài 3,584km; quận Sơn Trà có 8 khu vực với tổng chiều dài 38,884km; quận Ngũ Hành Sơn có 4 khu vực với tổng chiều dài 11,048km. Danh mục này có nêu rõ các đặc điểm chính ảnh hưởng đến việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển (đặc điểm bờ, tình hình xói lở, hệ sinh thái và cảnh quan...) và các mục đích, yêu cầu bảo vệ bờ biển (bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu xói lở bờ biển...).
Thời tiết miền Trung trở nên cực đoan hơn. Do đó, biển Đà Nẵng rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, chung tay giữ vẻ đẹp vốn có của các bãi biển này.
Tại khu vực bị xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát, các vũng xoáy này thường xuyên bị dịch chuyển theo thời gian.