Chính sách mới: Thừa Thiên Huế phân định rõ trách nhiệm trong quản lý CCN

22/08/2018 16:36

(TN&MT) – Từ ngày 25/8, Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về quy chế phối hợp giữa các Sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài Chính và UBND cấp huyện trong quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu có hiệu lực.

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và hoạt động của cụm công nghiệp (CCN).

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các Sở, ngành, địa phương

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, nguyên tắc chung quản lý CCN thực hiện theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ; Thông tư số 15/2017/TT-BCT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khác có liên quan.

Ngoài ra, nguyên tắc phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với CCN; đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN.

Bên cạnh đó, việc phối hợp quản lý nhà nước thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các sở, ngành và UBND cấp huyện. Trong quá trình phối hợp, tránh chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi cơ quan.

Các cơ quan tham gia công tác phối hợp phải cử người có đủ năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về thời gian, địa điểm, công việc phối hợp và chịu trách nhiệm về nội dung phối hợp mà mình thực hiện.

ccn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nội dung và trách nhiệm phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng CCN.

Ngoài ra, Sở có trách nhiệm có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ thuê đất của đơn vị đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN trình UBND tỉnh quyết định; Căn cứ quyết định cho thuê đất hoặc giao đất của UBND tỉnh để phối hợp UBND cấp huyện, xã và các ngành có liên quan tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho Nhà đầu tư và tiến hành ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất tại các CCN.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan liên quan thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xem xét trình UBND tỉnh giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho các doanh nghiệp trong CCN; Chủ trì thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đồng thời, Sở sẽ chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện lập kế hoạch, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trong CCN; Xác nhận chất lượng công trình xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN và hệ thống xử lý chất thải chung của CCN.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách mới: Thừa Thiên Huế phân định rõ trách nhiệm trong quản lý CCN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO