Kế hoạch này nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 như: Giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên cả tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
Ngoài ra, Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn của tỉnh; Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai; Chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống bão, bão mạnh, siêu bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm, tràn thường xuyên bị ngập sâu cần được lắp đặt các thiết bị cảnh báo; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.
Giải pháp ứng với từng khu vực
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Kế hoạch số 163/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Yên đề ra hàng loạt các giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng, thông tin truyền thông…
Điểm nổi bật của Kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh Phú Yên chính là đưa ra những giải pháp trọng tâm ứng với đặc thù từng khu vực, từng địa bàn. Chính sách này góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế; nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Theo đó, những giải pháp trọng tâm đối với khu vực miền núi gồm: Xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực; Xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Khu vực vùng (đồng bằng) lưu vực sông Ba và các lưu vực sông khác: Xây dựng, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống lũ, ngập lụt; xử lý công trình hạ tầng (vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt. Quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nhất là sử dụng đất bãi bồi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho các công trình, hồ chứa nước xung yếu.
Khu vực vùng ven biển: Tập trung nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, triều cường, bão mạnh và siêu bão; Đảm bảo an toàn công trình, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, lụt, công trình...
Kế hoạch cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ban ngành, địa phương. Riêng Sở Tài nguyên & Môi trường có nhiệm vụ: Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn;
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất là trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm; xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát, cung cấp dịch vụ về khí tượng thủy văn;
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tính toán cân bằng nước, xác định khả năng cung, cầu nước ở từng khu vực làm cơ sở cho các địa phương xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp;
Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để rà soát, xây dựng phương án ứng phó; triển khai các chương trình, dự án nâng cao nhận thức, năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai;
Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai;
Kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Ba, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước.