Môi trường

Chính sách EPR hoàn thiện đầu tiên ở Đông Nam Á

Phạm Oanh 30/05/2024 - 08:33

(TN&MT) - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách này.

Bộ công cụ hoàn thiện sau 15 năm

Tại Việt Nam, EPR xuất hiện lần đầu tiên mang tính nguyên tắc trong Luật Bảo vệ môi trường 2005 và tiếp tục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ vào năm 2013 và quy định này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015.

Tuy nhiên, EPR chỉ thật sự trở thành công cụ chính sách kinh tế môi trường khi được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và lộ trình thực hiện… rõ ràng.

hoi-thao-epr.jpg
Bộ TN&MT thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn chính sách EPR nhằm hoàn thiện và triển khai chính sách hiệu quả

Với 2 điều luật 54 và 55 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, EPR quy định rõ về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Với trách nhiệm thu gom, xử lý, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi ni lông khó phân hủy kích thước nhỏ… phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.

Với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm từ ngày 1/1/2027.

Không dừng lại ở 2 điều ngắn gọn trong Luật, quy định EPR tiếp tục được làm rõ tại 1 chương trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Tại đây, tất cả những quy định về đối tượng, lộ trình, tỷ lệ, quy cách, hình thức, đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hay đối tượng, mức đóng góp, trình tự đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải đều được cụ thể hóa. Bên cạnh các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng đưa ra các quy định cụ thể về đơn vị vận hành chính sách EPR, cũng như là việc sử dụng minh bạch khoản đóng góp của doanh nghiệp…

Tất cả những quy định trên tạo nên sự khác biệt của chính sách EPR hiện hành so với trước. Có nghĩa là, việc thu gom, xử lý và tái chế sản phẩm, bao bì hiện nay là bắt buộc chứ không chỉ là khuyến khích. Mọi hành vi không chấp hành đúng quy định EPR đều bị xử phạt, mức phạt cao nhất có thể lên đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp danh sách và tiến hành thanh, kiểm tra đối với các đơn vị thực hiện không nghiêm túc quy định này. Theo các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có chính sách EPR hoàn thiện như vậy.

Tiếp tục hoàn thiện để hỗ trợ doanh nghiệp

Về cơ bản, các văn bản pháp lý quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đã có đầy đủ. Bộ TN&MT và các bên liên quan đã xây dựng các văn bản hướng dẫn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng vì đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam, còn nhiều ý kiến khác nhau nên một số văn bản còn tiếp tục được sửa đổi và ban hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện EPR. Trong đó, nghiên cứu một số nội dung như: Doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; Doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo; Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Theo quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

* Nếu tổ chức tái chế thì có thể lựa chọn thực hiện theo các cách sau: Tự thực hiện tái chế; Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; Uỷ quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; Kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.

* Nếu đóng góp tài chính thì đóng theo công thức sau: F = R x V x Fs. (Trong đó, F là tổng số tiền phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì).

Hiện tại Bộ TN&MT đang sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có một số sửa đổi về mặt kỹ thuật liên quan đến EPR. Việc sửa đổi này sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện từ phía Nhà nước và doanh nghiệp, xác định rõ hơn về đối tượng, các mặt hàng bao bì nằm trong danh mục phải thực hiện tái chế, đơn giản hóa quy cách tái chế. Cùng với đó là sự điều chỉnh để việc thu gom được hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Quyết đinh quy định về hoạt động thải bỏ phương tiện giao thông để nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Bộ cũng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là căn cứ cho việc xác định đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách EPR hoàn thiện đầu tiên ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO