Môi trường

Chính sách EPR: Bước ngoặt tái chế

Phạm Oanh 03/01/2024 - 09:06

(TN&MT) - Trước đây, hoạt động tái chế của nước ta luôn ở tình trạng “không chịu lớn” bởi quy mô manh mún, nặng tính thủ công. Nhưng với sự khởi đầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt quy định từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đã mở ra một bước ngoặt mới có tính quyết định, kỳ vọng cho sự lớn mạnh, khởi sắc của ngành tái chế.

Chính sách tái chế được hoàn thiện

Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Đặc biệt, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định EPR với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trong đó, trách nhiệm tái chế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Kể từ thời điểm này, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Như vậy, nếu như trước kia các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật và các văn bản dưới luật.

1.jpg
Đầu tư công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, DTR cam kết không rác thải, không nước thải, không khí thải trong quá trình sản xuất nhựa tái chế.

Theo nhiều chuyên gia, EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Để chính sách EPR đi vào cuộc sống, suốt 3 năm qua, cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như các nhà tái chế đã có cuộc “chạy đua với thời gian” để hoàn thiện chính sách và sẵn sàng thực thi. Theo Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia: Đến thời điểm hiện tại, cơ sở pháp lý thực thi EPR đã cơ bản hoàn thiện. Bộ TN&MT cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến; từ hệ thống này, các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ TN&MT.

Vật liệu tái chế được ưu tiên

Để biến rác thải đầu ra của ngành này trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác theo đúng định hướng kinh tế tuần hoàn cần có quá trình thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Thông qua việc thực thi các văn bản pháp luật về môi trường và hành lang pháp lý cho hoạt động tái chế, nhiều doanh nghiệp đã có những định hướng khá cơ bản chuẩn bị cho quá trình này. Ví như lần đầu tiên trong lịch sử, 9 “ông lớn” có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau đã “bắt tay” thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Không những thế, hàng loạt các nhãn hàng nổi tiếng thế giới đang hoạt động tại Việt Nam: Coca-Cola, Unilever, FrieslandCampina… đã tích cực hưởng ứng và chủ động ký kết hợp tác với các nhà tái chế để cam kết hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững. Theo đại diện của Coca-Cola: Với chiến lược "Vì một thế giới không có rác thải", Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% chai và lon bán ra trên toàn cầu. Công ty muốn đảm bảo rằng tất cả sản phẩm chai nhựa đều có nhiều vòng đời, hướng đến hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 - 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế. Ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Các doanh nghiệp đều ý thức rằng, chuyển đổi sản xuất xanh không còn là trào lưu "làm đẹp" cho hình ảnh doanh nghiệp, mà là tiêu chí bắt buộc cho sản phẩm khi vào các thị trường lớn của thế giới. Đơn cử như với ngành dệt may, từ năm 2025, Liên Minh châu Âu sẽ áp dụng chính sách EPR cho tất cả các mặt hàng dệt may. Nếu không có phương án thu gom, tái chế thì mặt hàng này sẽ mất thị trường lớn nhất hiện nay.

Tái chế bao bì nhựa - khởi động cho nền tái chế xanh

Hiện nay, tái chế nhựa là ngành tái chế tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, nhựa là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may và nông nghiệp. Thật không quá khi cho rằng, tái chế bao bì nhựa là một bước khởi động không thể thiếu khi xây dựng và phát triển nền tái chế xanh, tái chế hiện đại tại Việt Nam.

2.jpg
Nhiều doanh nghiệp lớn cùng "bắt tay" tái chế bao bì hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Đón đầu xu thế này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tư duy làm tái chế bài bản, nghiêm túc, hướng đến lợi ích lâu dài. Đơn cử như Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân (DTR) đã đầu tư 60 triệu USD xây dựng nhà máy tái chế nhựa với công nghệ Bottle to Bottle. Công nghệ này cho phép tái sinh nhựa đến 50 lần. Đây là nhà máy thuộc top 5 nhà máy nhựa tái chế đẹp, hiện đại và quy mô nhất thế giới.

Đặc biệt, với quy mô công suất 40.000 tấn thành phẩm nhựa tái chế/năm, DTR đang sử dụng hoàn toàn nhựa phế liệu trong nước làm nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, một số nhà tái chế trong nước đã bắt tay hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tái chế đón đầu cơ hội từ EPR. Điển hình như Công ty Vietcycle và tập đoàn ALBA châu Á đã hợp tác xây dựng nhà máy tái chế với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 50 triệu USD và công suất lên đến 48.000 tấn/ năm.

Tiến sĩ Micheal Parsons - Cố vấn chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Những cái chúng ta bỏ đi chỉ đơn giản là ta chưa tìm được cách sử dụng nó. Ta hoàn toàn có thể tái sử dụng chúng, đặc biệt là nhựa. Thực ra, nhựa có giá trị rất cao, nó bền, nó mang lại sức mạnh cho xã hội.

Dù được đánh giá là tiềm năng và đang ngày càng thu hút đầu tư nhưng hiện nay, ngành tái chế bao bì nhựa nói riêng và tái chế nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, thực trạng “hoan hô nhưng chưa chào đón” doanh nghiệp tái chế đang diễn ra ở một số địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai hiệu quả quy định EPR, ngành tái chế nước ta cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là những hỗ trợ về cơ chế đầu tư, ưu đãi vốn, thuế, đất đai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách EPR: Bước ngoặt tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO