Chiều 30 Tết ở "cột mốc sống" giữa ngàn khơi Tổ quốc

Lê Khanh| 26/01/2020 06:41

(TN&MT) - Trong khi ở đất liền người người, nhà nhà sắm sửa vui Tết đón Xuân, quây quần bên nhau chờ đón giao thừa; thì giữa ngàn khơi xa xôi của Tổ quốc, những người lính hải quân DK1 canh gác chủ quyền trong gió gào sương biển và nỗi nhớ đất liền gào xé tâm can. Dẫu nhiều nhọc nhằn, khó khăn gian khổ, nhưng vì sứ mệnh thiêng liêng của người lính, các anh gác lại tất cả niềm vui, tất cả vì sự bình yên của nhân dân cả nước đón Tết vui Xuân.

Có nỗi nhớ nào bằng nhớ mẹ quê

Chiều 30 Tết, từ nhà giàn DK1/16, trung tá Lê Xuân Nam, chỉ huy trưởng cho biết, cán bộ chiến sĩ nhà giàn này đã chuẩn bị tươm tất cho cái Tết xa đất liền. "Trưa ba mươi, chúng tôi mặc quân phục chỉnh tề. Trước bàn thờ Tổ quốc, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thắp nén hương, cầu mong sức khỏe, năm mới biển đảo yên bình. Tuy không đầy đủ như ở đất liền, song chúng tôi có bánh chưng, giò lụa, kẹo, mứt". 

Khi tôi hỏi "tâm trạng chiều 30 Tết"? Nam lặng hồi lâu. Tôi hiểu trung tá Nam đang xúc động, nén dòng cảm xúc. "Mặc dù đã 21 năm đón Tết ngoài nhà giàn, song nỗi nhớ đất liền không thể nguôi ngoai. Ngày thường nhớ đất liền da diết, ngày Tết càng tăng thêm. Tôi gọi điện về đất liền chúc tết hai bên nội ngoại rồi. Ở quê tôi còn mẹ già nữa. Tết này rét lắm, không biết "bà già" có chịu thấu không". Nam dừng câu chuyện. Tôi nghe rõ tiếng gió gào, tiếng sóng ầm ầm từ nhà giàn qua máy điện thoại mà thắt lòng.

Nhà giàn DK1 kiêu hãnh giữa biển khơi

Trung tá Nam đọc cho tôi nghe bài thơ chứa chan cảm xúc của con xa đất liền gửi mẹ già tận quê xứ Thanh. Xuân về người lính DK/ Nhớ về Tổ quốc mẹ cha đất liền/ Biển xa sóng gió triền miên/ Canh trời giữ biển nối liền cách xa/ Mẹ ơi con nhớ quê nhà/ Vườn cau ao cá mãi là quê hương/ nhớ ngày mẹ tiễn lên đường/ Nhớ đôi mắt mẹ khóc buồn đỏ hoe/ Xuân này con ở biển xa/ Nhớ đất liền lắm nhưng xa sao về/ Nhà giàn con nhớ mẹ quê/ Hương cà bếp lửa, hẹn về Xuân sau

Cũng tâm trạng nhớ đất liền chiều 30 Tết như trung tá Nam, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn  Hùng Cường, chính trị viên nhà giàn DK1/7 gói gọn nỗi nhớ đất liền qua "câu chuyện kể" với tựa đề "Viết cho những người lính DK". Những dòng cảm xúc Cường đưa lên zalo, chiều 30 Tết, đọc ai cũng cảm động, nhói lòng:

         "- Con ơi, giỗ ông ngoại về nhà được không con?

         - Mẹ à, con phải huấn luyện, không về được đâu.

         - Vậy con cố gắng nhé.

         ....

         - Anh Hai à, đám cưới Út anh về được không?

         - Anh xin lỗi, hôm ấy anh bận diễn tập         

         - Vâng, vậy anh đi giữ gìn sức khỏe

Tết của chiến sỹ nhà giàn

Nghe điện thoại mà chỉ biết nghẹn ngào. Ai bảo đàn ông con trai không biết khóc... và đã có những vỗ vai, an ủi từ đồng đội mà nuốt nước mắt ngược vào trong. Khoảnh khắc của thời gian, sự việc đôi khi chỉ có một lần, và những người lính DK1 như chúng tôi luôn để lỡ... Cuộc sống lính DK- cuộc sống của lặng thầm cống hiến và hi sinh, hằng ngày phải chống chọi với sóng gió cuồng phong bão tố và những cơn bão lòng để bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ai đó một lần khoác áo lính, sẽ hiểu được khi chiều buông có bóng dáng người chiến sĩ nhìn về phương xa, và những đêm trăng lặng nghĩ về gia đình..."

Từ nhà giàn DK1/7, Chính trị viên- thiếu úy Nguyễn Hùng Cường cho biết, về Tiểu đoàn DK1 công tác chưa đầy 2 năm thì 2 lần đón Tết ngoài nhà giàn. "Cảm xúc lúc này em hơi buồn, nhưng là người lính DK1 thấy tự hào vì trách nhiệm. Ở cương vị chính trị viên em luôn động viên cán bộ chiến sĩ ăn tết và hoàn thành nhiệm vụ, trực SSCĐ bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công"- Cường nói. 

Chiến sỹ nhà giàn DK1/7 gói bánh chưng chiều 30 tết (ảnh: Nguyễn Hùng Cường)

Cường cho biết thêm, nhà anh có 4 chị em, anh là con thứ hai, em gái lấy chồng bộ đội hải quân, em trai cũng bộ đội hải quân, quê ở Đắc Lắk, Tết này, bố mẹ anh luôn chờ đón các con về nhưng anh hẹn bố mẹ năm sau. Nói chuyện người yêu, Cường chia sẻ: "Trước em cũng có người yêu, nhưng sau đi biển 7 tháng vừa rồi thì phải chia tay, kết thúc một mối tình sau 4 năm. Em biết bạn ấy có người yêu khi em đi biển"- là cựu binh nhà giàn DK1- nghe chuyện của Cường chiều 30 Tết, tôi chỉ muốn khóc.

Xuân vững niềm tin canh chủ quyền Tổ quốc

Nếu những người lính khoác áo màu xanh của rừng canh chủ quyền nơi miền biên ải như lính Biên Phòng họ có thể xin nghỉ tranh thủ về quê thăm bố mẹ, vợ, con người thân sau ba ngày Tết. Còn cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1, chuyện đi tranh thủ là không thể. Bởi nhà giàn DK1 cách đất liền từ 500-600 km, trên "diện rộng thông suốt của đại dương", việc đi lại vô cùng khó khăn, phụ thuộc và những chuyến tàu từ đất liền ra biển.

Câu chuyện "Viết cho những người lính DK" của Chính trị viên Nguyễn Hùng Cường (ảnh chụp lại Zalo của nhân vật)

Quê gốc Bình Định, người lính trẻ đeo quân hàm binh nhất Nguyễn Hải Triều nhận nhiệm vụ "nhân viên pháo thủ" canh chủ quyền nhà giàn DK1/12 lần đầu tiên đón Tết giữa ngàn khơi. Triều nhớ đất liền, nhớ quê nhà lắm. "Cả đêm qua em thao thức không hề chợp mắt. Lần đầu đón Tết xa bố mẹ, thật lòng nỗi nhớ cồn cào. Vừa chợp mắt, trong giấc mơ em thấy một cây cầu dài nối lền nhà giàn với đất liền. Em bật dậy chạy trên cây cầu đó. Hóa ra đó là giấc mơ. Sờ lên mắt, thấy nước mắt trào ra"- giọng Triều nghèn nghẹn- tôi hiểu người lính trẻ ấy đang xúc động.

Thiếu uý Chính trị viên DK1/7 trước bàn thờ Tổ quốc chiều 30 tết (ảnh nhân vật cung cấp)

Chiều 30 Tết, hơn 200 cán bộ chiến sĩ đóng quân ngoài tiền đồn xa xôi của Tổ quốc phía ngàn khơi, là ngần ấy nỗi nhớ đất liền với những cung bậc, cảm xúc khác nhau.  

Chiều 30 Tết, hơn 200 người lính "già" lính trẻ mang trong tim mình "phiên hiệu DK" đang thầm lặng canh gác chủ quyền Tổ quốc. Trong khoảnh khắc xuân về và niềm vui bất tận, xin hướng về các anh- những người đang vững chắc tay súng canh từng cột mốc chủ quyền trên biển, mà họ là "những cột mốc sống" bất khả xâm phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiều 30 Tết ở "cột mốc sống" giữa ngàn khơi Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO