(TN&MT) - Trong khi triều cường đang gây ngâp lụt, cản trở sinh hoạt, sản xuất, thiệt hại kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại nhiều tỉnh thành thì các cơ quan chức năng đã dự báo và yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện biện pháp sẵn sàng đối phó vấn nạn khô hạn, xâm mặn trầm trọng hơn ảnh hưởng đến 40% tổng diện tích toàn vùng…
Nông dân ĐBSCL phải tranh thủ làm đất, xuống giống vụ lúa Đông Xuân năm 2015 – 2016 dứt điểm trong tháng 12/2015 để đối phó vớn hạn mặn. |
Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - ông Đặng Văn Dũng, cho biết: trong 4 tháng đầu mùa mưa năm nay, tổng lượng mưa đo được ở các trạm trên lưu vực sông Mê Kông thấp hơn trung bình nhiều năm 30-50%; lưu lượng dòng chảy tại một số trạm chính cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35-48%.
Báo cáo chính thức của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ nhận định: nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3 đến 4 tháng đầu năm 2016 sẽ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện sớm trong tháng 12/2015.
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và lượng nước từ thượng nguồn về thấp hơn trung bình nhiều năm…, ông Đặng Văn Dũng đề nghị các địa phương trong vùng cần có biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn và thiếu nước trong mùa khô 2015-2016. Các địa phương cần lưu ý ảnh hưởng của xâm nhập mặn sớm và sâu vào nội đồng, chiếm 40% diện tích toàn vùng, trong đó khoảng 100.000ha có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất.
Cục Trồng trọt, ở các vùng đất sản xuất cách cửa biển từ 25-35km, dự báo mặn sẽ xuất hiện sớm. Từ tháng 1/2016, nồng độ có khả năng vượt 4 gam/lít và từ tháng 2 trở đi, khu vực này gần như hoàn toàn không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Các vùng sản xuất cách cửa biển từ 40-65km có khả năng nhiễm mặn 4 gam/lít vào các tháng 3 và 4/2016, thậm chí kéo dài sang tháng 5, nếu không có mưa xuất hiện. Các vùng cách cửa biển từ 65km trở lên, tuy ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn 4 gam/lít nhưng cũng cần thận trọng trong các đợt triều cường.
Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016, vùng ĐBSCL sẽ gieo trồng Vụ đông xuân 2015-2016, dự kiến, toàn vùng ĐBSCL gieo trồng 1 triệu 563 ngàn héc ta lúa. Trong đó, dự báo của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT sẽ có tới hơn 100.000ha lúa canh tác vụ này tại các tỉnh ven biển, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, bị ảnh hưởng nặng bởi khô hạn và xâm nhập mặn.
Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng được cảnh báo cụ thể gồm huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công của Tiền Giang; huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành của Trà Vinh; huyện Mỹ Xuyên, Long Phú của Sóc Trăng; huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai của Bạc Liêu; huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất của Kiên Giang,…
Để ứng phó với diễn biến hạn, xâm mặn phức tạp, duy trì hiệu quả sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2015 – 2016, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Phạm Văn Dư, đề nghị các địa phương tranh thủ xuống giống sớm hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20 ngày để có điều kiện chủ động nước tưới đầu vụ, tránh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào cuối vụ. Theo đó, lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 nên tiến hành từ tháng 10/2015. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh, thống nhất đề nghị này.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất lúa năm 2016, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương đẩy lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 lên sớm hơn vụ Đông Xuân hằng năm và phải cố gắng xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2015.
“Các địa phương rà soát hạ tầng thủy lợi, điều tiết nước phục vụ sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống, sử dụng giống xác nhận để gieo sạ. Tổng cục Thủy lợi cần theo dõi diễn tiến hạn mặn, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, chỉ đạo.
Theo số liệu báo cáo từ 13 Sở NN&PTNT vùng ĐBSCL, năm 2015 toàn vùng gieo sạ được gần 4,3 triệu héc ta lúa (tăng hơn 11.600 ha so với năm 2014), sản lượng thu hoạch đạt gần 25,7 triệu tấn lúa hàng hóa (tăng hơn 429.000 tấn so với năm 2014) nhưng kim ngạch xuất gạo chỉ đạt 2,26 tỉ USD (giảm 11,7% so cùng kỳ).
Trước diễn biến phức tạp về thời tiết, nguồn nước và thị trường cùng với các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Nguyễn Quốc Việt, đề xuất Chính phủ cần thành lập một ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp để giải quyết khó khăn cho vùng ĐBSCL. Ông Việt cho rằng cần có một ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cấp vùng do một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo, điều hành thì mới giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn tồn tại, phát sinh trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phong Vân