Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La diễn biến ổn định

Bài và ảnh: Nguyễn Nga| 19/05/2020 11:07

(TN&MT) - Năm 2019, UBND tỉnh Sơn La giao Trung tâm Quan trắc TN&MT, Sở TN&MT Sơn La triển khai quan trắc tại 114 điểm gồm: 40 điểm môi trường không khí, 41 điểm môi trường nước mặt, 14 điểm môi trường nước dưới đất, 19 điểm môi trường đất và trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

Nhiều chỉ số ô nhiễm đất được cải thiện

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La cho biết: Việc lựa chọn vị trí quan trắc dựa trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 3306/QĐ-UBND ngày 28/12/2018. Quá trình quan trắc đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng cũng như quy trình kỹ thuật trong việc lấy mẫu quan trắc, phân tích theo đúng quy trình và kiểm chuẩn từ QA/QC trong lập kế hoạch quan trắc; kết quả quan trắc được so sánh theo đúng các quy chuẩn hiện hành.

Kết quả, Trung tâm đã tiến hành 3 đợt quan trắc môi trường không khí tại 40 vị trí, 11 thông số quan trắc. Nhìn chung, các thông số gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là bụi và tiếng ồn, tập trung phần lớn tại các khu vực ngã ba, ngã tư nơi giao nhau của các trục đường chính, bến xe, cổng chợ, cổng bệnh viện, nơi diễn ra các hoạt động thi công xây dựng lớn. So với năm 2018, chất lượng môi trường không khí năm 2019 có diễn biến tương đối ổn định và tốt hơn, vị trí ô nhiễm tiếng ồn giảm từ 16/40 điểm ô nhiễm xuống còn 11/40 điểm; vị trí ô nhiễm bụi giảm từ 24/40 điểm xuống còn 11/40 điểm.

Quan trắc môi trường không khí khu vực Ngã tư Quyết Thắng, thành phố Sơn La

Về môi trường nước mặt, kết quả 3 đợt quan trắc lấy mẫu, phân tích tại 41 vị trí cho thấy, môi trường nước mặt tỉnh Sơn La năm 2019 có dấu hiệu ô nhiễm tại một số vị trí quan trắc với các thông số như: Hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng, nhu cầu oxy sinh học, nhu cầu oxy hóa học, Nitrit, một số thông số kim loại nặng (sắt, chì, mangan), coliform, E.Coli; đối với các thông số khác diễn biến ổn định nằm trong giới hạn cho phép so với quy chuẩn.

Chất lượng nước mặt tại các vị trí quan trắc đã có chiều hướng tốt lên. Số điểm có hàm lượng DO vượt giới hạn cho phép năm 2019 đã giảm chỉ còn từ 2-7 điểm trong các đợt quan trắc, năm 2018 là 9 - 21 điểm. Số lượng E.Coli trong nước mặt tại các vị trí quan trắc vượt giới hạn cho phép đã giảm hơn so với năm 2018 có 17 - 28 vị trí vượt giới hạn cho phép, sang đợt 3/2019 chỉ còn có 8 điểm vượt giới hạn cho phép. Nước mặt chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật.

Đáng lưu ý, tại các vị trí ô nhiễm trong các năm trước đây đã có xu hướng giảm về số điểm và thời gian gây ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm nguồn cấp nước vẫn còn nhưng thời gian ô nhiễm ngắn, việc ngừng cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố không còn kéo dài. Tuy vậy, môi trường nước mặt đã xuất hiện thêm một số điểm gây ô nhiễm mới mang tính chất cục bộ tại một số huyện như: Phù Yên, suối Bung Bông huyện Mai Sơn, khu vực Chiềng Sinh; ô nhiễm tại một số điểm xả thải tại các khu vực có nhà máy chế biến sản xuất nông sản và khu vực chăn nuôi.

Thời gian và tần suất gây ô nhiễm giảm

Nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La qua 2 đợt quan trắc tại 14 vị trí, 25 thông số, thể hiện chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi thông số về hóa học, kim loại nặng (trừ Mangan ô nhiễm cục bộ tại Trung tâm huyện Yên Châu và thị trấn Bắc Yên), 4/14 vị trí quan trắc (Trung tâm huyện Yên Châu; thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn; mó nước hang Dơi, thị trấn Mộc Châu; thị trấn Phù Yên) đã bị nhiễm khuẩn E.coli và có dấu hiệu bị ô nhiễm Coliform tại 12/14 vị trí quan trắc.

Chất lượng nước ngầm cơ bản tốt lên hơn so với năm 2018. Thông số mangan, thủy ngân vượt giới hạn cho phép tại một vài vị trí tại huyện Yên Châu trong năm 2018 đến năm 2019 đã ổn định và nằm trong giới hạn cho phép. Thông số ô nhiễm chủ yếu tập trung vào Coliform và E.Coli. Những điểm gây ô nhiễm vẫn tập trung vào các vị trí gây ô nhiễm trước đây như Mó nước cây Sung huyện Mai Sơn; mó nước hang Dơi huyện Mộc Châu thời gian và tần suất gây ô nhiễm đã giảm.

Quan trắc chất lượng môi trường là hoạt động thường niên được tỉnh Sơn La quan tâm thực hiện

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường đất tại 19 điểm quan trắc đất nông nghiệp với 18 thông số cho thấy, hàm lượng mùn trung bình, độ pH ổn định, nhóm thông số kim loại nặng: Asen (As), Kẽm (Zn), Chì (Pb) chưa có dấu hiệu ô nhiễm trong đất tại các vị trí quan trắc. Nhóm thông số chất dinh dưỡng trong đất: Hàm lượng Phốt pho có 13/19 vị trí quan trắc, hàm lượng Kali tổng số 19/19 vị trí đều nằm trong khoảng giá trị chỉ thị và cao hơn khoảng giá trị chỉ thị về hàm lượng, do đó môi trường đất tỉnh Sơn La khá giàu Kali và Phốt pho.

So sánh với năm 2018, kết quả này không có biến động. Chất lượng đất chủ yếu có hàm lượng mùn trung bình, độ pH ổn định, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Riêng thông số kim loại Đồng có dấu hiệu ô nhiễm tại 2 vị trí là xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn và xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, nồng độ ô nhiễm năm 2019 giảm so với năm 2018.

Để tiếp tục có những đánh giá diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn, năm 2020, tỉnh Sơn La đang tiếp tục duy trì quan trắc chất lượng môi trường tỉnh tại 114 điểm quan trắc trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Qua đó, nhằm đẩy mạnh theo dõi, giám sát chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, đất; bổ sung có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường; cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường; tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói riêng và làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La diễn biến ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO