Từ đam mê đến sáng tạo
Cách đây hơn 10 năm, chàng thanh niên Nguyễn Văn Mão một mình ra Hà Nội để lập thân. Ở vào độ tuổi sinh viên, cũng như các bạn đồng trang lứa, anh Mão rất đam mê âm nhạc. Anh đặc biệt bị mê hoặc bởi thanh âm của tiếng sáo trúc – thứ đưa anh đến với dự án khởi nghiệp bằng ống hút tre sau này.
Gian nan khởi nghiệp đầu tiên mà anh Mão phải đối mặc đó là sự đàm tiếu của nhiều người về một “thứ tre nứa không kiếm được ra tiền”. Tuy nhiên ít ai biết rằng, bằng đam mê, tinh thần khởi nghiệp hăng hái, anh Mão đã trở thành một ông chủ lớn của hàng chục đại lý kinh doanh sáo trúc và đang dần dần đi lên mạnh mẽ nhờ dự án ống hút tre nứa của mình.
Cơ duyên với dòng ống hút tre đến với anh sau khi mạng xã hội rộ lên phong trào #NoStrawChallenge (không dùng ống hút nhựa), một người bạn ngoại quốc khi xem anh Mão biểu diễn sáo đã đặt vấn đề liệu anh có thể tìm nứa nhỏ hơn để sản xuất ống hút được không. Anh chia sẻ “lúc đó, trong mình bùng lên một ý tưởng táo bạo, đó là sản xuất ống hút bằng tre thân thiện với môi trường để cạnh tranh với ống hút nhựa hay thậm chí là các vật liệu tự nhiên khác như cỏ bàng, sậy, giấy…”. Dự án khởi nghiệp từ ống hút tre của Nguyễn Văn Mão ra đời từ đó.
Ống hút tre – thân thiện với môi trường
Bắt tay vào dự án, năm 2018, Nguyễn Văn Mão đăng kí bảo hộ thương hiệu “ống hút tre Việt Nam” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Anh đầu tư hẳn một dây chuyền hiện đại gần 1 tỉ đồng cho các công đoạn mài, sấy, hấp, luộc và khắc chữ ống hút.
Để tìm nguồn nguyên liệu, với kinh nghiệm làm sáo của mình, Nguyễn Văn Mão đã rong ruổi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào tận khu vực Tây Nguyên nhằm tìm và chọn những loại tre, nứa chất lượng nhất. Anh cho biết tầm hai năm có thể tái thu hoạch lại nguyên liệu này. Vì là giống cây hút nhiều nước của các cây công nghiệp mùa khô, nên việc khai thác tre tạo điều kiện phát triển thảm thực vật phụ cận và phần nào hạn chế việc đốt rừng của người dân.
Một lô hàng thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tre, nứa được chọn là loại cây không được non vì dễ biến dạng ống và cũng không quá già để đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phẩm, tốt nhất là các cây từ 6 tháng đến 1 năm tuổi. Chiều dài một ống khoảng 20 cm, tùy theo mục đích sử dụng của khách hàng như uống cafe, trà sữa… mà đường kính lòng ống sẽ được chọn cho phù hợp nhất.
Nguyên liệu thô sau khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi. Sau đó người thợ bắt đầu cắt gọt, vát tròn miệng ống, đánh bóng, xử lý lòng và đem đi luộc sạch mủ cây. Tiếp đó ống hút được sấy trong lò với nhiệt độ khoảng 120 độ để đảm bảo khô kiệt nước. Sản phẩm hoàn thiện là loạt ống hút màu vàng bóng, nhẵn lòng và có mùi thanh của tre rất đặc trưng. Chính cái vị thanh đó đã được người dùng đón nhận và giúp Nguyễn Văn Mão tạo ra dấu ấn riêng cho các sản phẩm của mình để cạnh tranh trên thị trường.
Anh Mão còn cho biết: “Bên cạnh vị thanh đặc trưng, sở dĩ ống hút của mình được biết đến rộng rãi chính là nhờ thời gian tái sử dụng lên đến 6 tháng, và có thể phân hủy hoàn toàn vào môi trường. Hiện nay người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ thiên nhiên cho nên các sản phẩm của mình dù giá có cao hơn 1 chút so với mặt bằng chung nhưng vẫn được các cửa hàng, du khách tin dùng”.
Trước sự tăng mạnh đến bất ngờ về nhu cầu ống hút tre, anh Mão đã mở rộng quy mô sản xuất thêm hai phân xưởng nữa tại Gia Lai, Đồng Nai. Nhân công có khi huy động lên đến 200 người để sản xuất. Ước tính một ngày các cơ sở của anh có thể cho ra 100 nghìn ống thành phẩm để phục vụ thị trường.
Vươn ra quốc tế
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu trong nước, Nguyễn Văn Mão cũng tiến hành cho xuất khẩu sản phẩm ống hút của mình ra thế giới thông qua những buổi xúc tiến, hội chợ quốc tế.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh xuất đi khoảng 5 đến 6 triệu sản phẩm và đem về thu nhập gần 10 tỷ đồng mỗi tháng. “Nếu như các mặt hàng khác bước ra thị trường quốc tế thường rất khó khăn, thì sản phẩm ống hút của mình lại nhận được sự đón nhận và tin dùng từ các thị trường lớn, nhất là châu Âu – bởi vì khu vực này ngày càng hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa” – anh Mão nói.
Hiện nay, thương hiệu ống hút của anh đã đi khắp các thị trường từ châu Âu đến các khu vực châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc. Dự kiến trong tương lai, sản phẩm này sẽ tiếp tục có mặt tại những nước châu Á phát triển khác. Với triển vọng như vậy chỉ mới 35 tuổi, Nguyễn Văn Mão đã nổi lên thành một doanh nhân thành đạt với danh hiệu “tỉ phú ống hút tre”.
Trao đổi về triển vọng dự án của Nguyễn Văn Mão, ông Vũ Minh Lý – Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết: “Dùng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu của toàn cầu. Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được yêu cầu, tiêu chí quốc tế để xuất khẩu những sản phẩm như vậy. Và không chỉ ống hút tre mà những sản phẩm thân thiện với môi trường khác sẽ có triển vọng rất lớn để gia nhập vào thị trường quốc tế”.
Nhìn vào ánh mắt cương nghị của chàng thanh niên xứ Nghệ, tin chắc rằng dự án khởi nghiệp của với tre, nứa sẽ thành công hơn nữa. Qua đó góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với đông đảo người tiêu dùng hiện nay.