Chân dung siêu lừa bất động sản ở Sa Pa: Bài 1 - Đằng sau mỹ danh “nhà hảo tâm” nổi tiếng

22/08/2014 00:00

(TN&MT) - Chỉ khi chủ tọa phiên tòa đọc bản án luận tội Nguyễn Thị Thoa, thì nhiều người mới vỡ lẽ "đại gia" bất động sản nổi tiếng lâu nay ở Sa Pa chỉ là một...

   
(TN&MT) - Tại buổi tuyên án phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do “siêu lừa” Nguyễn Thị Thoa chủ mưu vào cuối tháng 7 vừa qua, được hội đồng xét xử cho phép nói lời cuối. Lúc này,  mặc dù sức khỏe đã rất yếu, nhưng bà Thoa vẫn cố bào chữa cho mình: “Tôi không có tội, xin tòa xem xét lại…” khiến nhiều người trong phòng xử án thấy thương hại. Chỉ khi chủ tọa phiên tòa đọc bản án luận tội Thoa, thì nhiều người mới vỡ lẽ thực chất đây là một “siêu lừa”.
   
Siêu lừa Nguyễn Thị Thoa và đồng phạm trước vành móng ngựa
   
  Đến Sa Pa trước những năm 2011, nhắc đến tên “doanh nhân” Nguyễn Thị Thoa, nhiều người được nghe những câu chuyện về nhân vật đầy tiếng tăm này với những mỹ từ được người dân thường gọi, như “người giàu nhất Sa Pa”, “doanh nhân thành đạt và hảo tâm”, “người làm từ thiện không tiếc tiền”... Nhưng giờ đến Sa Pa, người ta nhắc đến bà Thoa với biệt danh “siêu lừa” cùng những phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn... Đặc biệt, có người còn “tôn vinh” bà Thoa “có tài” đưa cán bộ vào tù, bởi chỉ vì những phi vụ làm ăn của bà mà gần chục cán bộ của một số cơ quan trong huyện Sa Pa đã rơi vào vòng lao lý.
   
  Là con một nhà giáo quê gốc Hà Nội công tác ở Sa Pa, bà Nguyễn Thị Thoa lớn lên được ăn học bài bản và làm cán bộ tại một bệnh viện lớn ở Thủ đô. Năm 1994, bà Thoa xin nghỉ việc lên Sa Pa để kinh doanh bất động sản. Chỉ trong mấy năm làm bất động sản, nhờ hoạt ngôn, lại biết cách đặt mối quan hệ với một số cán bộ có chức, có quyền ở thị trấn Sa Pa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa, bà Thoa đã đi mua gom, làm thủ tục chuyển đổi hàng ngàn m2 đất vườn rừng thành đất thổ cư, rồi chia lô để bán giữa lúc đất ở vùng du lịch này bắt đầu “sốt”. Việc này lý giải vì sao bà Thoa giàu lên nhanh chóng và trở thành đại gia trong giới kinh doanh bất động sản không những ở Lào Cai, mà cả ở Hà Nội.
   
  Cần nói thêm rằng, do có mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa và rất “thạo” việc làm thủ tục về đất đai ở địa phương, nên nhiều người đã lầm tưởng bà Thoa là lãnh đạo của phòng này. Thậm chí, một số tờ báo có uy tín khi viết bài còn phong cho bà chức phó trưởng phòng, tất nhiên những tờ báo này đều nhầm lẫn, vì chưa bao giờ có chuyện đó xảy ra.
   
  Để tạo dựng hình ảnh một doanh nhân giàu có và chân chính nhằm lấy lòng tin của những người xung quanh để dễ bề lừa gạt, bà Thoa đã dùng “chiêu” tích cực làm từ thiện và sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội để đánh bóng bản thân. Bắt đầu từ năm 2003, người dân Sa Pa đã nghe kể nhiều về sự hào phóng trong công tác từ thiện xã hội của bà Thoa, bởi bà đã dành hàng tỷ đồng để mua quần áo, sách vở, tặng  cho học sinh các xã vùng cao. Có dịp tết, bà Thoa còn mua hàng chục tấn gạo, quà tết tặng cho nhiều hộ nghèo của huyện Sa Pa.
   
  Những người đã từng gặp và giao dịch với bà Thoa đều có nhận xét, đây là người nhanh nhẹn, hoạt bát, tháo vát và sống dản dị. Thậm chí, khi đã là đại gia ở xứ du lịch nổi tiếng Tây Bắc thì bà Thoa vẫn giữ lối sống của một người nghèo khổ. Vì thế, các khổ chủ khi mới gặp đều rất tin tưởng vào sự trung thực của doanh nhân bất động sản này, nên nhiều người khi giao dịch, mua bán với bà Thoa đã không mảy may cảnh giác, có người cho bà Thoa vay trên 1 tỷ đồng nhưng không cần viết giấy vay tiền, hoặc có người đưa cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của gia đình mình cho bà Thoa mà không cần biết sau đó bà sẽ làm gì.
   
Những khu nhà do Nguyễn Thị Thoa xây dựng ở Sa Pa giờ đã trở thành phế tích
    
   
  Theo lời những nạn nhân đã bị bà Thoa lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn chính của bà là đến các hộ dân ở khu vực thị trấn Sa Pa có diện tích đất vườn rừng nằm ở những vị trí đẹp, vận động họ đồng ý, rồi bà Thoa đứng ra câu kết với một số cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn rừng sang đất thổ cư sẽ khiến giá trị của những khu đất tăng lên rất nhiều lần. Sau khi làm thủ tục chuyển đổi và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Thoa sẽ đứng ra môi giới mua bán, lập bẫy để lừa đảo trên những thửa đất ấy.
   
  Tính từ năm 2003 đến năm 2011, Nguyễn Thị Thoa đã đứng ra nhận tiền mua nhiều lô đất tiền tỷ tại thị trấn Sa Pa cho một số người ở TP Lào Cai, Hà Nội và một số địa phương khác. Những người nhờ bà Thoa mua, bán đất tại Sa Pa chỉ việc đưa tiền hoặc bìa đỏ, mọi thủ tục còn lại bà sẽ lo hết. Sau khi hợp thức hóa quá trình mua bán, bà Thoa vận động “khổ chủ” mượn lại bìa đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiền, hoặc tự ý sang nhượng lô đất đó cho cá nhân khác. Những nạn nhân "dính" bẫy lừa của bà Thoa đa số là người Hà Nội và các tỉnh lân cận khu vực phía Bắc. Qua đơn tố cáo của các nạn nhân gửi cơ quan chức năng thì bà Thoa đã dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, như việc các nạn nhân nhờ mua bán đất tại Sa Pa, sau khi mua xong, bà Thoa lừa mượn lại sổ đỏ rồi thế chấp với ngân hàng vay tiền, hoặc chuyển nhượng mảnh đất đó cho người khác lấy tiền mà không được sự đồng ý của chủ nhân mảnh đất đó.
   
  Điều đáng nói, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của người khác, Nguyễn Thị Thoa đã chi tiêu một cách vô tội vạ, cho tặng bạn bè và phục vụ thú vui khó hiểu là xây dựng hàng loạt biệt thự lớn với những kiểu thiết kế được coi là quái gở, không rõ mục đích sử dụng, chỉ để chơi hoặc bỏ hoang.
   
  Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011 trở lại đây, khi số người bị bà Thoa lừa đảo, chiếm đoạt đông bất thường và nhiều đơn thư được gửi đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi của “nữ doanh nhân” này thì những vở kịch mà Thoa dàn dựng bắt đầu đi vào hồi kết.
   
  Qua quá trình xác minh hàng loạt đơn thư của nhiều người bị bà Thoa lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ngày 18/2/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thoa về hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, ngày 17/2/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án và tiến hành bắt tạm giam thêm 7 đối tượng là các cán bộ đang công tác tại tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa để điều tra làm rõ hành vi buông lỏng công tác quản lý, mất hồ sơ đất đai gây hậu quả nghiêm trọng.
   
   
  Để Nguyễn Thị Thoa có thể dễ dàng thực hiện những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người như vậy rõ ràng đã có sự tiếp tay tích cực của những cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và chứng thực hợp đồng chuyển nhượng. Đúng vậy, khi cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Thị Thoa đã phát hiện nhiều cán bộ có hành vi cấu kết với Thoa trong việc xác nhận nhiều hồ sơ, tài liệu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng...
   
  Trong đó, người được coi là đóng vai trò đắc lực giúp “siêu lừa” Nguyễn Thị Thoa thực hiện nhiều phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân là Phạm Tiến Lập, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa. Ngày 15/8/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Tiến Lập về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình điều tra, xác minh Công an tỉnh đã phát hiện, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa, Phạm Tiến Lập đã xác nhận nhiều hồ sơ, tài liệu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định lên tới hàng trăm trường hợp, phần lớn đều liên quan tới “siêu lừa” Nguyễn Thị Thoa.
   
  Bài & ảnh: Quốc Khánh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân dung siêu lừa bất động sản ở Sa Pa: Bài 1 - Đằng sau mỹ danh “nhà hảo tâm” nổi tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO