Chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường

Bài và ảnh: Hoàng Châu| 17/03/2020 13:31

(TN&MT) - Trước thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi dừng khai thác gây ô nhiễm môi trường… tỉnh Điện Biên cần siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 32 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, có 27 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (20 mỏ đá và 7 mỏ cát làm VLXDTT); 1 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 mỏ chì kẽm; 3 mỏ than.

Mỏ đá của Công ty TMTN Đại Dương - Một trong nhiều đơn vị chậm thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Trong giai đoạn 2010 - 2019, UBND tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 22 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 34 dự án, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác đối với các dự án khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép cơ bản đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Vừa qua, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên đã rà soát tổng số tiền các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ, số tiền ký quỹ lần đầu và hàng năm để theo dõi, đôn đốc và thu định kỳ theo quy định. Tuy vậy, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên đang gặp khó khăn trong việc thu tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, do còn nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không nộp tiền ký quỹ.

Điểm khai thác cát lòng sông Nậm Rốm làm VLXDTT tại bản Pá Nậm, xã Pom Lót, huyện Điện Biên của HTX Hoàng Việt

Tổng số tiền ký quỹ được phê duyệt giai đoạn 2010 - 2019 của các tổ chức, cá nhân là 14.685 triệu đồng, trong đó, hơn 2 tỷ đồng là số doanh nghiệp có mỏ đang khai thác. Nhiều doanh nghiệp nợ tiền ký quỹ dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ không nộp như: Công ty Khoáng sản Điện Biên; Công ty CP Cao nguyên Hà Giang; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh; Công ty CP Công trình giao thông tỉnh Điện Biên…

Theo đánh giá của đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên: Ngoài nguyên nhân chủ yếu là do một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gặp khó khăn về tài chính nên không đáp ứng được khoản tiền ký quỹ, nhiều tổ chức, cá nhân xin được dự án nhưng không thể triển khai khai thác, hoặc các đơn vị ngừng khai thác không nộp tiền ký quỹ kéo dài trong nhiều năm, khiến số dư nợ ký quỹ cứ lớn dần nên không thể thực hiện.

Điểm mỏ của Công ty CP Công trình giao thông tỉnh Điện Biên chưa nộp quỹ từ 2015 - 2019, với số tiền quỹ phải nộp là trên 213 triệu đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản giữa một số tổ chức, cá nhân khi chưa có sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, các đơn vị này chưa có thỏa thuận về sở hữu tiền ký quỹ đã nộp, nên gặp khó khăn trong đôn đốc thu quỹ.

Trước tình trạng này, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm về không nộp và chậm nộp ký quỹ...

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO