Chấm dứt các dự án thủy điện xâm hại rừng Tây Nguyên

20/06/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là khẳng định quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng...

 

(TN&MT) - Đó là khẳng định quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khôi phục và phát triển rừng vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách, góp phần quan trọng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu không chỉ cho vùng Tây Nguyên mà còn cho cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khôi phục và phát triển rừng vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách, góp phần quan trọng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu không chỉ cho vùng Tây Nguyên mà còn cho cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước - Ảnh: Chinhphu.vn 

Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm khu vực Tây Nguyên giảm trung bình từ 15 đến 20% số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng lên 49,8% vào năm 2020 là mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng nay 20/6, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông.

Trong những năm qua, để phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực này. Mặc dù vậy, đến nay tài nguyên rừng khu Tây Nguyên vẫn tục bị xâm hại, công tác bảo vệ gặp phải những khó khăn, thách thức xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho diện tích, chất lượng rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm gần 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững. Nhiều tham luận thể hiện những nội dung quan trọng như: sự cấp bách phải khôi phục rừng ở Tây Nguyên; những tồn tại, vướng mắc và các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Các ý kiến phát biểu của Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ban, ngành liên quan cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên thống nhất nhận định rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng. Các ý kiến nhìn nhận 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của tình trạng phá rừng là vấn đề di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khôi phục và phát triển rừng vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách, góp phần quan trọng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu không chỉ cho vùng Tây Nguyên mà còn cho cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Để việc phát triển rừng vùng Tây Nguyên đạt hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cương quyết đóng cửa rừng tự nhiên đối với mọi vùng. Chấm dứt tình trạng lập các dự án tận thu lâm sản tại các khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là rừng đặc dụng. Chấm dứt các dự án thủy điện trên địa bàn có xâm hại đến rừng, kiểm tra xử lý cương quyết thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các dự án nhà máy thủy điện chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm việc trồng rừng thay thế, nộp phí dịch vụ môi trường rừng; chấm dứt việc chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Bởi thực tế nước ta đã có vùng cây công nghiệp khá lớn mà chưa tập trung đi sâu vào thâm canh tăng năng suất và chế biến sâu tăng giá trị các sản phẩm, mà chủ yếu xuất khẩu thô.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên giao nhiệm vụ cụ thể về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến UBND cấp huyện, cấp xã và giao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu địa phương nào để xảy ra mất rừng thì lãnh đạo của địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật phải cương quyết kiểm tra các xưởng chế biến gỗ để làm rõ đâu là gỗ có giấy tờ nguồn ngốc đâu là gỗ lậu một cách cụ thể để xử lý. Đồng thời cương quyết xử lý, điều tra, truy tố các cá nhân, đường dây buôn lậu gỗ nhằm ngăn chặn tình trạng xây hại rừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ: nguyên nhân việc quản lý bảo vệ rừng ở Tây Nguyên chưa hiệu quả là còn có sự buông lỏng của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng cũng như sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền các cấp. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên thì mới có hiệu quả. Đồng thời, bên cạnh việc kiểm tra, phê bình, xỷ lý những trường hợp vi phạm, cũng cần kịp thời khen thưởng, tuyên dương các cá nhân, đơn vị, tập thể làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng để khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng hiệu quả./.

 Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt các dự án thủy điện xâm hại rừng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO