Cập nhật dịch COVID-19 sáng 5/6: EU sử dụng quỹ 2,7 tỷ USD để mua vắc-xin COVID-19 đầy hứa hẹn

Mai Đan| 05/06/2020 08:08

(TN&MT) - Liên minh châu Âu sẽ sử dụng quỹ 2,7 tỷ USD khẩn cấp để đặt mua trước các loại vắc-xin đầy hứa hẹn chống lại virus corona chủng mới (virus SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19. Tại Ấn Độ, dịch bệnh bùng phát ở thành thị trở thành cuộc khủng hoảng y tế ở nông thôn.

Ấn Độ: Bùng phát COVID-19 ở thành thị trở thành cuộc khủng hoảng y tế ở nông thôn

Theo các dữ liệu thu thập được từ 7 bang của Ấn Độ, các vùng nông thôn ở Ấn Độ đã bắt đầu chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19, khi hàng triệu công nhân nhập cư trở về từ các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp mang virus gây bệnh COVID-19 về nhà.

Các quan chức cho biết sự gia tăng đột biến số ca nhiễm là một thách thức mới đối với các cơ quan y tế của đất nước, ngay cả khi họ nỗ lực đấu tranh để kiểm tra ổ dịch ở các thành phố trong bối cảnh Ấn Độ nới lỏng lệnh phong tỏa. Tính đến ngày 3/6, tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt mốc 200.000 người. Một số chuyên gia cho rằng đỉnh dịch có thể xảy ra trong vài tuần nữa.

Naman Shah, một nhà dịch tễ học và bác sĩ tư vấn cho lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của chính phủ Ấn Độ cho biết dịch bệnh bùng phát ở nông thôn có thể là “sự tàn phá” của các nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Ở bang Bihar, phía Đông Ấn Độ, dữ liệu chính thức cho thấy trong số 3.872 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận cho đến ngày 1/6, 2.743 trường hợp có liên quan đến những người lao động nhập cư trở về sau ngày 3/5, trong khi chính phủ bắt đầu mở lại các dịch vụ tàu hỏa và xe buýt.

Tất cả các phương tiện giao thông ở Ấn Độ đã phải dừng hoạt động vào cuối tháng 3, khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn COVID-19.

Theo dữ liệu, hầu hết những người lao động có kết quả xét nghiệm dương tính ở Bihar đến từ thủ đô New Delhi của Ấn Độ và các bang phía Tây đất nước như Maharashtra và Gujarat.

“Các công nhân trở về từ miền tây Ấn Độ cũng gây ra sự tăng đột biến số ca nhiễm ở Jharkhand, một bang miền Đông nghèo giáp biên giới với Bihar”, quan chức y tế hàng đầu Nitin Madan Kulkarni cho biết.

“Sau ngày 2/5, trong số tất cả các ca nhiễm COVID-19 tại bang Jharkhand, gần 90% trong số đó là lao động nhập cư”, ông Kulkarni nói với Reuters. Bang này hiện có 752 ca nhiễm, tăng từ 111 ca ngày 1/5.

Khi những người lao động nhập cư ra khỏi làng của họ, một số bang chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh hiện đang phải đối mặt với làn sóng nhiễm trùng thứ hai.

Ở Maharashtra, nơi có gần 75.000 ca nhiễm bệnh chiếm 1/3 tổng số ca bệnh ở Ấn Độ, các quan chức ở một số huyện nông thôn cho biết các trung tâm y tế của nhà nước đang phải đương đầu với đại dịch.

“Nếu tốc độ này tiếp tục trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm soát các bệnh viện tư nhân để điều trị cho những bệnh nhân nặng”, một quan chức ở huyện Satara thuộc bang Maharashtra, phía Tây Ấn Độ cho biết.

Chi phí ứng phó với COVID-19 tại Anh tăng lên 132,5 tỷ bảng

“Chi phí cho chi tiêu khẩn cấp của Anh và cắt giảm thuế để giảm bớt tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể lên đến 132,5 tỷ bảng (166,1 tỷ USD), tăng so với ước tính 123,2 tỷ bảng trước đó”, cơ quan giám sát ngân sách Anh cho biết.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) đã cập nhật các ước tính sau khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cung cấp chi tiết về việc gia hạn 4 tháng chương trình trợ cấp lương của chính phủ.

Một y tá điều trị chờ bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Frimley Park ở Surrey, Anh vào ngày 22/5/2020. Ảnh: Reuters

OBR trước đây đã ước tính rằng Anh đang chuẩn bị thiệt hại khoảng 300 tỷ bảng trong tài chính công trong năm tài chính 2020, bao gồm cả việc mất các khoản thu thuế do chính phủ đóng cửa phần lớn nền kinh tế cũng như chi phí khẩn cấp chi tiêu và các biện pháp thuế.

EU sử dụng quỹ 2,7 tỷ USD để mua vắc-xin COVID-19 đầy hứa hẹn

Liên minh châu Âu (EU) sẽ sử dụng quỹ 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) khẩn cấp để đặt mua trước các loại vắc-xin đầy hứa hẹn chống lại virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19.

Động thái này đã được thảo luận tại một cuộc họp của các đại sứ EU, sau khi Đức, Pháp, Ý và Hà Lan cho biết các nước này đang tăng cường các cuộc đàm phán với các công ty dược phẩm để đảm bảo tiếp cận với vắc-xin đang được phát triển.

Theo các quan chức, quỹ châu Âu – được biết đến là Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI) được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp nhằm tăng năng lực sản xuất vắc-xin tại châu Âu và cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho các công ty dược phẩm.

Động thái của EU được đưa ra sau khi Mỹ lên tiếng đảm bảo quá trình phát triển vắc-xin, bao gồm 1/3 trong số 1 tỷ liều đầu tiên có kế hoạch mua mũi thử nghiệm COVID-19 từ AstraZeneca.

Theo hãng Reuters, EU sẵn sàng chịu rủi ro tài chính và đầu tư tiền bạc để có được vắc-xin đầu tiên trong bối cảnh ứng phó với đại dịch.

Ủy ban châu Âu xác lập Quỹ ESI, đại diện cho 27 quốc gia châu Âu khác.

Theo tờ báo Đức – Handelsblatt, trong thư gửi đến Ủy ban Châu Âu, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn và các đồng nghiệp từ Pháp, Ý và Hà Lan viết rằng họ đã có cuộc đàm phán với các đối tác chủ chốt trong ngành công nghiệp dược phẩm để có thể đạt được kết quả nhanh nhất và tốt nhất.

Trích dẫn nguồn tin chính phủ, tờ báo này cho biết Đức, Pháp, Ý và Hà Lan đang thảo luận với các công ty dược phẩm, trong đó có AstraZeneca về các quỹ nghiên cứu chính phủ và các bảo hiểm mua bán.

Công ty AstraZeneca hiện chưa đưa ra bình luận về điều này.

EU lo lắng về việc không đủ liều vắc-xin để đáp ứng nhu cầu hiện tại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng và hiện nay vẫn chưa có vắc-xin.

Chiến lược về vắc-xin đặt ra ưu tiên cho những trường hợp thực sự cần thiết, như các nhân viên y tế và người cao tuổi. Trong khi đó, vẫn chưa rõ sáng kiến của EU có thể đảm bảo lượng vắc-xin từ các công ty dược bằng cách nào.

Châu Âu cũng đang đặt hy vọng vào các ứng dụng truy tìm nguồn tiếp xúc COVID-19 thông minh hơn.

Các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 đang tìm đến một ứng dụng truy tìm nguồn tiếp xúc COVID-19 thứ 2 để giúp ngăn chặn sự bùng phát hơn nữa.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 lúc 6h25 sáng ngày 5/6/2020:
*Thế giới: 6.681.808 người mắc; 392.017người tử vong.
*Việt Nam: 328 người mắc, 0 tử vong.
Đến 18h ngày 4/6, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 302 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
286 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 3/6) được chữa khỏi (giai đoạn 2)
Theo Tổng hợp từ Reuters & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật dịch COVID-19 sáng 5/6: EU sử dụng quỹ 2,7 tỷ USD để mua vắc-xin COVID-19 đầy hứa hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO