Cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp ở Hương Khê (Hà Tĩnh): Hoàn thành tiến độ, giải quyết được nhiều tranh chấp

30/12/2014 00:00

(TN&MT) - Với chủ trương giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân Hương Khê đã tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương...

   
(TN&MT) - Hương Khê là một huyện miền núi có đất lâm nghiệp chiếm trên 60% diện tích, từng trở thành điểm nóng trên địa bàn Hà Tĩnh về tranh chấp đất rừng. Nhưng với chủ trương giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đang có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, góp phần ổn định tình hình, tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương một cách hiệu quả.
   
   Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định rà soát, bóc tách đất rừng tại các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ để chuyển đổi và trả lại một phần diện tích đất rừng giao cho các địa phương quản lý, giao lại cho nhân dân nhằm thực hiện đề án giao đất rừng theo Quyết định số 3952/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê cũng nằm trong số địa phương nhận được quyết định hướng dẫn triển khai thực hiện. Theo đó, trong ba năm từ 2013 đến 2015, huyện Hương Khê đã có phương án phê duyệt hơn 9.300 héc ta đất rừng để đưa vào phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
   
  Ông Nguyễn Cự Duẩn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê(đơn vị thường trực triển khai kế hoạch giao đất rừng của huyện Hương Khê) cho biết: Đến cuối năm 2014, ở huyện Hương Khê đã có 15 xã chính thức ký với các đơn vị tư vẫn đo vẽ bản đồ đất lâm nghiệp. Hiện tại, đã có 8 xã đã đo vẽ xong với diện tích là 6.100 héc ta, gồm có xã Hương Bình, Hương Đô, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy, Hương Xuân, Hương Lâm, Phương Mỹ. Trong số đó có 3 xã đã hoàn chỉnh bản đồ, đánh giá đặc trưng đấy rừng và đang chờ thẩm định, phê duyệt để cấp bìa là Hà Linh, Hương Xuân, Hương Bình.
   
  Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ giao đất cho nhân dân ở một số xã trên địa bàn còn chậm. Ông Duẩn cho hay, nguyên nhân chủ yếu do một số xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nên phải mất nhiều thời gian cho công tác đo vẽ. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện một số nơi chưa thống nhất chủ trương, hướng dẫn để người dân nắm bắt nên có xảy ra tranh chấp, kiện cáo.
   
Diện tích đất rừng được giao làm tăng giá trị sử dụng cho người dân
   
  Tại xã Lộc Yên, sau khi xảy ra việc người dân tự ý vào các khu đất của các lâm trường cao su chặt phá, lấn chiếm đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc; Huyện Hương Khê đã chủ động lập đoàn chỉ đạo từ cấp huyện, xã rà soát lại diện tích, đánh giá hiện trạng rồi tuyên truyền đến từng hộ dân để chủ động nắm bắt nên nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết hợp tình, hợp lý. Và một số bất cập trong quá trình giao đất ở đây là đất không giao “thuận canh, thuận cư” mà giao cách địa điểm 3 - 4 km nên gặp không ít khó khăn. 
   
   Theo kế hoạch, xã Hương Vĩnh sẽ nhận được khoảng 300 héc ta đất rừng từ rừng phòng hộ sông Tiêm, tuy nhiên mới chỉ tổ chức giao cho dân được hơn 100 ha, hiện đang làm thủ tục để giao cho những hộ còn lại. Nguyên nhân giao đất lâm nghiệp cho người dân chậm là việc giao thực địa rất khó khăn, chưa có dụng cụ máy móc hỗ trợ chủ yếu phải trèo đèo lội suối đo đạc thủ công theo hình thức “tạm tính”, ảnh hưởng đến tiến độ.
   
   Theo rà soát, huyện Hương Khê cần bàn giao 9.347 héc ta đất rừng cho dân trong năm 2015. Với lộ trình đó, Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và huy động hết các ban, phòng tham gia để đảm bảo tiến độ. Theo lời ông Nguyễn Cự Duẫn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê thì việc đảm bảo tiến độ bàn giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân ở Hương Khê nếu giải quyết được những vướng mắc hiện tại sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành kế hoạch vào giữa năm 2015.
   
   Cũng xin được nói thêm, trong quá trình tìm hiểu tiến độ cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp ở huyện Hương Khê chúng tôi còn nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về lệ phí lâm bạ chưa được cụ thể, có những nghi ngờ về thu chi nên không chịu thực hiện đóng lệ phí đã gây ra những vướng mắc các thủ tục, đặc biệt là thiếu kinh phí đo đạc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm cấp giấy quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Và, thực trạng này đang dần được các cấp chính quyền tháo gỡ, tuyên truyền hướng dẫn người dân.
   
  Theo nội dung công văn liên sở số 1140/HĐ-LS: NN&PTNT- TN&MT hướng dẫn kinh phí tổ chức thực hiện đề án giao đất, giao rừng giai đoạn 2013-2015 căn cứ theo Nghị quyết số 54/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 của HĐND tỉnh cụ thể như sau: Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015 do ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã đầu tư và các cá nhân tổ chức đất rừng cùng đóng góp(Ngân sách tỉnh 300.000 đồng, huyện 200.000 đồng; Cá nhân, tổ chức nhận đất, nhận rừng gồm có đất không có rừng 130.000 đồng, đất có rừng 480 ngàn đồng)
   
   Để rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao, lãnh đạo cũng như các phòng ban, cơ quan trực thuộc ở Hương Khê đang tìm ra những giải pháp dần tháo gỡ vướng mắc, sớm về đích theo nhiệm vụ đã đề ra. 
   
  Bài và ảnh: Đức Cảnh-Hồng Thiệu
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp ở Hương Khê (Hà Tĩnh): Hoàn thành tiến độ, giải quyết được nhiều tranh chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO