Cao Bằng: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực triển khai các chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, đa dạng các mô hình sinh kế, Sở đã tích cực triển khai tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, Sở phối hợp với một số Sở ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở để người lao động nắm bắt được thông tin giới thiệu việc làm, tham gia học nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu, điều kiện của xã, xóm, thế mạnh sản xuất địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 11.000 người lao động tham gia đăng ký học nghề, tăng thêm 1.300 người lao động đăng ký học nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, điện dân dụng…
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tiếp cận vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để có vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt trên 3.850 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đơn vị để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 161 tỷ đồng; tăng trưởng đạt trên 100 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt gần 777 tỷ đồng với 12.533 lượt khách hàng vay vốn (trong đó hộ nghèo, cận nghèo 4.937 hộ, chiếm 39,39%).
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được đảm bảo đời sống từ các chính sách an sinh xã hội. Các huyện, Thành phố triển khai kịp thời hỗ trợ 16.854 triệu đồng tiền điện cho 49.730 lượt hộ, trong đó hỗ trợ cho 37.409 lượt hộ nghèo, 12.321 hộ chính sách xã hội; hỗ trợ cho trên 43.000 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; 83.262 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Cấp 328.243 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cấp 10.616 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2023, huyện Nguyên Bình giảm 533 hộ nghèo, bằng 6,25%, giảm từ 5.229 hộ (năm 2021), chiếm 57,25% xuống còn 4.696 hộ, chiếm 51,00%.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 huyện được giao 202 tỷ 779 triệu đồng, dự kiến thực hiện 30 dự án hạ tầng cơ sở thiết yếu, gồm: 12 công trình giao thông, 7 công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia, 6 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, 1 công trình điện lưới quốc gia phục vụ dân sinh. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển đã giao thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 là 114 tỷ 092 triệu đồng, triển khai thực hiện 28 dự án, kinh phí giải ngân tính đến nay 26 tỷ 649 triệu đồng, đạt 25,6% kế hoạch. Vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 được giao 62 tỷ 963 triệu đồng, giải ngân đến nay trên 30 tỷ đồng, đạt 47,67% kế hoạch.
Cùng với nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực khác trong xã hội nhằm nâng cao hiệu quả và tận dụng tối đa mọi nguồn lực thực hiện chương trình. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, huyện hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho 1.891 lượt hộ nghèo với tổng số tiền 109 tỷ 048 triệu đồng; 503 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền 33 tỷ 402 triệu đồng; 63 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình được vay vốn tổng số tiền 726 triệu đồng; 31 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn 2 tỷ 060 triệu đồng; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia việc làm 465 lượt hộ, số tiền 35 tỷ 920 triệu đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 638 lượt hộ, số tiền 29 tỷ 135 triệu đồng.
Thông qua các nguồn vốn đầu tư và chính sách tín dụng ưu đãi góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện.