Canh “cổng trời” giữa đại ngàn

Bài và ảnh: Đức Duy| 30/07/2020 11:23

(TN&MT) - Với cái nắng như “ cháy da, cháy thịt” có những lúc lên 42, 43oC của những cơn gió lào, mọi sinh hoạt về vật chất, tinh thần ở đây đều thiếu thốn, nhưng những người làm nghề “bắt mạch” thiên nhiên của Trạm Thủy văn Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa vẫn “ăn nắng, nằm gió” để hoàn thành nhiệm vụ.

“Gõ kẻng” giúp dân

Từ TP. Thanh Hóa, chúng tôi mất gần 3 giờ đồng hồ đi xe khách vượt qua nhiều cánh đồng lúa bậc thang, những con dốc, sườn đôi quanh co uốn lượn… mới đến được thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Giữa trưa hè oi ả, đón chúng tôi bằng xe máy là bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé chạc 35 tuổi, chị tên là Chang - quan trắc viên Trạm Khí tượng (TKT) Hồi Xuân.

Trạm Thủy văn Hồi Xuân nơi làm việc của những người “ăn cơm mặt đất, nói chuyện trên trời”

Chạy được một đoạn, đến chân núi, nơi án ngữ của TKT Hồi Xuân, chị dừng xe quay đầu lại dặn tôi “Chú bám cho thật chắc, nếu muốn lên Trạm phải đi qua một con đường dốc cao”. Sau màn trổ tài “tay lái lụa” qua con đường dốc dài hơn 200 m, cuối cùng tôi cũng lên tới Trạm. “Hồi chị mới về trạm công tác, đi con đường này cũng sợ lắm, lúc đó, chỉ là đường đất, vì chưa quen với vất vả nên nhiều lần về nhà chỉ biết ôm mẹ khóc nức nở. Giờ đường đã bê tông hóa, nhưng nếu tay lái không vững rất dễ bị trượt ngã”, chị Chang nói.

Thở dài sau màn leo dốc tưởng chừng như chỉ có trong các cuộc đua xe địa hình, tôi hít một hơi thật sâu lấy lại bình tĩnh, chưa kịp hoàn hồn bỗng anh Nguyễn Xuân Cảnh, Trạm trưởng TKT Hồi Xuân vui mừng chạy ra “tay bắt mặt mừng”. Có lẽ anh vui mừng vì lâu ngày mới có người lên thăm Trạm, cái nghề “ăn cơm mặt đất, nói chuyện trên trời” chỉ quanh năm suốt tháng làm bạn với trang thiết bị, nắng và gió miền sơn cước, nó cô đơn là vậy.

TKT Hồi Xuân là trạm cấp 1, người làm lâu nhất đã gần 40 năm (hiện đã về hưu), mới nhất cũng chạm mốc chục năm. Pha vội ấm trà thảo dược, ngẫm kỹ tấm bảng được treo ngay ngắn trên tường in các câu khẩu hiệu “Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, quy phạm chuyên môn” hay “Cẩn thận, chính xác, kịp thời”, anh Cảnh nhìn tôi và nói: Đấy chú xem, nghề khí tượng thủy văn (KTTV) không dành cho những ai bất cẩn, nóng vội. Bởi, nghề cần độ chính xác về số liệu, nếu sơ sẩy, sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống lao động và sinh hoạt của người dân. Có những hôm mưa bão, đêm lạnh… dù buồn ngủ hay kiệt sức, anh em trong Trạm vẫn thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết không để xảy ra tình trạng sai lệch về thông số.

Anh Nguyễn Xuân Cảnh, Trạm trưởng TKT Hồi Xuân đang giải thích cơ chế hoạt động của hệ thống đo mưa

“Năm 2008, chuyển công tác về TKT Hồi Xuân, năm đó trời rét căm căm chỉ hơn 3oC. Trong khi ai cũng trong chăn ấm, đệm êm nhưng vì lòng yêu nghề, không quản ngại thời tiết, ai cũng phải vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đêm nào cũng thế, cứ cách vài giờ, lại phải quan trắc khí tượng như độ ẩm, nhiệt độ… vài lần và ghi chép số liệu cẩn thận vào sổ. Vì Trạm đặt ở trên đỉnh đồi bao quanh bởi rừng rậm âm u, có lần tôi còn bị rắn độc cắn, hoảng quá chỉ biết kêu lên thất thanh, rất may được mọi người đưa đi bệnh viện chữa trị kịp thời”, vừa nhâm nhi trà, anh Cảnh kể lại kỷ niệm thuở vừa đặt chân lên TKT Hồi Xuân nhận công tác.

Thầm lặng với nghề

Âm thầm, lặng lẽ là cảm nhận của tôi sau màn trò chuyện cởi mở của anh Cảnh khi nói về nghề “đo nắng, đếm mưa”. Nếu như ai không tin, có thể dễ dàng kiểm chứng khi đến cùng ăn, cùng ngủ với cán bộ TKT dù chỉ một lần. Công việc nặng nhọc bởi những “đòn đánh” bất ngờ của thời tiết tuy vất vả, đồng lương còn hạn hẹp, song, cán bộ của TKT Hồi Xuân vẫn gắn bó với nghề như duyên nợ.

Trung bình mỗi ngày, quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo

Thời gian trôi nhanh, thoáng cái đồng hồ điểm đúng 16 giờ, nhận lệnh từ anh Cảnh, chị Chang vội vàng ôm sổ sách ra khu vực đặt các thiết bị quan trắc để thực hiện công việc “vạn lần mỗi năm”. Trung bình mỗi ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo (gọi là OBS), trong đó, có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Thời điểm trong mùa mưa bão khi mà “mẹ thiên nhiên” nổi giận, tần suất thực hiện OBS tăng từ 2 - 4 lần. Có hôm, họ phải thức cả ngày đêm vì thời gian giãn cách của các lần OBS chỉ vỏn vẹn 30 phút, không đủ để chợp mắt.

Khi hỏi tại sao nghề KTTV vất vả như vậy, nhưng chị vẫn bám trụ với nghề, chị Chang cười nhẹ rồi tâm sự: Ngày thường đầu óc đã căng như dây đàn, những ngày mưa bão, thời tiết xấu lại càng vất vả hơn. Bản thân mình là phụ nữ không thể khỏe như con trai, nhưng vẫn phải cố gắng vì công việc này đều nhận được sự động viên, khích lệ của gia đình. Để rồi ngày mai khi bản tin thời tiết dự báo phát lên, cứ như vậy mình lại có thêm niềm vui và động lực yêu nghề. Nói nghề này thấm vào máu thịt cũng đúng, có những cô dù đã nghỉ hưu, nhưng đêm tối lại bừng tỉnh đi soi đèn để OBS quanh vườn vì cứ ngỡ mình vẫn làm việc tại trạm.

TKT Hồi Xuân giờ chỉ có 3 cán bộ (tính cả Trạm trưởng), vì vậy, để có một ngày nghỉ đúng nghĩa là điều ai cũng mong muốn. Vào dịp lễ Tết, khi mọi người cũng hối hả khăn gói về quê cùng gia đình. Lúc đó, đứng ngoài gió ù ù như sắp bão, vào trong thì tiếng gió hút nghe như đang mưa nặng hạt. Ai trong nghề dù mạnh mẽ cũng không thể cầm nổi nước mắt vì nỗi nhớ quê, may thay, tuy sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, nhưng khi “bén duyên” với TKT Hồi Xuân, chị Chang đã tìm được tình yêu và nên vợ thành chồng.

Quan trắc viên đang đo mực nước sông Mã, vào mùa mưa bão công việc này càng trở nên nguy hiểm

Chờ hết lũ anh về với em!

Hơn 35 năm trong nghề, anh Nguyễn Anh Bằng, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Hồi Xuân đã quá quen với núi rừng, với từng cơn mưa, trận bão ở miền sơn cước Quan Hóa. Anh cho biết, gia đình có 3 đời làm trong ngành KTTV, vì vậy, luôn hiểu rõ tính chất quan trọng của nghề mình đang theo đuổi và luôn “khắc cốt ghi tâm” trong lòng rằng phải làm hết lòng, hết sức.

“Nhiều người không biết, cứ tưởng nghề thủy văn nhàn hạ, nhưng mấy ai thấm được sự cơ cực của nó đem lại. Cái nghề “canh sông giúp Hà bá” không thể chiều lòng hết thiên hạ, bởi nhẽ khi dự báo đúng thì không được một câu khen, khi sơ suất thì ai cũng trách móc. Giờ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Trạm Thủy văn được nâng cấp khang trang, anh chị em quan trắc viên dựa vào cái tâm để phát huy tối đa khả năng và công sức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ dự báo mà Đài KTTV Bắc Trung Bộ cũng như ngành KTTV giao phó”, vị Trạm trưởng giãi bày nỗi niềm.

Bần thần một lúc, anh Bằng nhớ lại: Năm 2019, khi trận lũ lịch sử gây hậu quả nghiêm trọng cho tỉnh Thanh Hóa, lúc đó nước sông Mã dâng rất cao, TKT Hồi Xuân bị cô lập hoàn toàn. Do TKT Hồi chỉ là trạm cấp 3 nên chỉ có 3 cán bộ, người quan trắc, người kia cập nhập số liệu. Quần áo ai cũng ướt sũng và phải mặc liên tiếp mấy ngày trời, nước nào có rút để về nhà. Có hôm phải chia nhau từng gói mỳ tôm, mẩu bánh mỳ rồi động viên anh em có gắng. Khi nước rút được một phần, cô quan trắc viên, lúc đó đang bụng bầu phải vội vã trèo tường rào để về nhà thay đồ vì sợ cảm lạnh. Còn tôi ở lại trạm túc trực 24/24 giờ, ở nhà vợ lo lắng, sốt ruột quá, tôi chỉ dám gọi về nhà trong chốc lát rồi dặn một vài câu “em ở nhà an tâm, chờ hết lũ anh về với em”.

Nghề KTTV vất vả, gian khổ là vậy, được chứng kiến về công việc, cuộc sống của họ, chúng tôi lại càng khâm phục những công việc thầm lặng, vất vả của nghề KTTV. Trước thực trạng khí hậu diễn biến thất thường, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, sạt lở đất đá…, những người cán bộ KTTV lại thêm phần nhọc nhằn, vất vả, thiếu thốn, thêm những hy sinh lặng thầm. Song điều mà tôi luôn tin tưởng, họ sẽ không bỏ cuộc và quyết “sống chết” với nghề.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh “cổng trời” giữa đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO