Người dân địa phương cho rằng, nhà máy xử lý rác thải này gây ô nhiễm, mùi, nước thải bẩn gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh, nên bà con dựng lều lán, ngăn cản xe cộ ra vào. Điều lạ, thay vì có giải pháp triệt để khác thì Lãnh đạo chính quyền địa phương lại cho Cty CP Môi trường Đô thị Hòa Bình tập kết rác ngay trên đường phố…
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, trên địa bàn TP. Hòa Bình hiện nay, toàn bộ rác thải sinh hoạt… đều do Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình đứng ra thu gom quét dọn. Trước đây, đơn vị này là đơn vị công ích của Nhà nước. Nhưng đến khi Cổ phẩn doanh nghiệp, nhóm “ông chủ” của nhà Hoàng Sơn đã nhảy vào thâu tóm doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Nguyễn Nam Chung làm Chủ tịch HĐQT, ông Trần Khắc Định làm Giám đốc điều hành.
Và cũng từ ngày nhóm “ông chủ” mới này vào điều hành doanh nghiệp, thì có nhiều điều bất cập xảy ra. Nhiều vị trí đất vàng được lọt vào tay nhóm ông chủ mới để rồi bị chiếm dụng xây dựng kinh doanh gây mâu thuẫn như: đê bờ sông biến thành quán cà phê, khu vườn hoa biến thành ki-ot… (sẽ phản ánh ở một bài báo khác).
Đoạn đường bị chặn lại làm bãi rác tạm |
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND TP. Hòa Bình cho biết: trước đó, đại diện UBND TP đã tổ chức đối thoại với người dân xã Thịnh Minh, TP. Hòa Bình để giải quyết phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước và không khí từ hoạt động Nhà máy xử lý rác thải của Cty Cổ phần năng lượng môi trường Bắc Việt tại xã Thịnh Minh.
Tại buổi đối thoại, nhiều người dân xóm Hải Cao, xã Thịnh Minh bức xúc tố cáo về những bất thường từ khu “chế xuất” rác của Cty Bắc Việt như: nước và khí thải tại sao cứ để rò rỉ, chảy ra bên ngoài. Ông Nguyễn Quang Tám, một người dân đang dùng nước sinh hoạt bằng nước giếng cho biết: Cần phải làm rõ đây là khu tiêu hủy rác hay tập kết rác, phải giám sát chặt chẽ, không chôn rác hay đổ thải nước chưa xử lý ra môi trường.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Trung, Trưởng xóm Tân Thịnh chia sẻ: “Tiếng là có “Nhà máy rác” trên địa bàn xã, nhưng rác thải tại xã Thịnh Minh thì lại chẳng có ai thu gom, trôi nổi khắp đầu làng, cuối xóm. Vậy ai chịu trách nhiệm?”.
Vọng gác của Cty CP Môi trường đô thị Hòa Bình |
Qua tìm hiểu, PV được biết: Dự án nhà máy xử lý rác thải của Cty CP Năng lượng môi trường Bắc Việt, do bà Nguyễn Thị Thu Ngọc làm Giám đốc, thực chất là dự án đốt rác. Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoáng 5 ha, có công suất xử lý khoảng 100 tấn rác/ngày đêm. Dự án này đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hòa Bình nghiệm thu và cho đi vào hoạt động từ tháng 7/2019. Tuy nhiên, mới hoạt động được chừng 1 năm đã có nhiều “trục trặc”. Rác khi đốt, mùi và khói nồng nặc, khi mưa thì nước thải chảy tràn ra… Chính vì có nhiều bất cập, đã khiến người dân bức xúc, chặn lối vào nhà máy rác.
Cũng vì không vận tải rác vào được, số lượng rác thải ùn ứ đến cả nghìn m3, nên phía Cty CP môi trường đô thị Hòa Bình đã “chiếm dụng” cả 1 đoạn đường cuối thành phố làm nơi chứa rác, gây thêm ô nhiễm môi trường trầm trọng ở đây.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.