Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ |
PV: Là một trong những địa phương vùng ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng từ BĐKH, nước biển dâng, đặc biệt là tình trạng ngập lụt, sạt lở. Vậy TP. Cần Thơ đã triển khai các giải pháp nào để ứng phó, thưa ông?
Ông Nguyễn Thực Hiện:
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, TP. Cần Thơ đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động và triển khai các công trình, dự án thích ứng, ứng phó với BĐKH; đồng thời, chỉ đạo và giao các Sở, ngành, địa phương xây dựng cụ thể các kế hoạch, chương trình hành động của từng ngành gắn với công tác ứng phó BĐKH.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở và người dân về các giải pháp chủ động thích ứng và ứng phó với BĐKH với mục tiêu chính là kịp thời trang bị và nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động ứng phó để tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, đô thị, góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ đề ra được TP. Cần Thơ triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, có sự phối hợp chặt chẽ, hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, công nghiệp, xây dựng; đồng thời, lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, nghề và trong cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Dự án kè hai bên sông Cần Thơ ứng phó BĐKH, nước biển dâng |
PV: TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều công trình, dự án vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Ông có thể chia sẻ một số thành tựu cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai các công trình, dự án này?
Ông Nguyễn Thực Hiện:
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực bố trí nguồn lực của thành phố cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực bên ngoài, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố gắn với cải thiện diện mạo đô thị, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Trong đó, nổi bật là các dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, đô thị, cấp nước.
Cụ thể, mạng lưới thủy lợi, công trình điều tiết nước từng bước được nâng cấp, góp phần chủ động trong việc tưới tiêu phục vụ trồng lúa, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng triển khai nạo vét kênh nội đồng, cải tạo hệ thống đê bao, kè sông, rạch chống sạt lở, xâm nhập mặn để bảo vệ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp; hoàn thành Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, góp phần triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Trong lĩnh vực đô thị, các công trình trên địa bàn như: hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng và các dự án kè cặp tuyến sông đã làm cho đô thị TP. Cần Thơ ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đã phát huy hiệu quả vai trò phòng chống ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn.
Hệ thống cấp nước sạch ở nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, cung cấp nước hợp vệ sinh cho hầu hết người dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài ra, TP. Cần Thơ còn tranh thủ nhiều nguồn viện trợ để đầu tư các trạm quan trắc tự động nhằm nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ để củng cố, cải thiện năng lực quan trắc nguồn nước, cảnh báo xâm nhập mặn.
PV: Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, TP. Cần Thơ có đề xuất, kiến nghị gì đối với các Bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương vùng ĐBSCL, thưa ông?
Ông Nguyễn Thực Hiện:
Hiện nay, BĐKH và nước biển dâng đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng tác động tiêu cực hơn. Do đó, các cấp, các ngành, người dân TP. Cần Thơ luôn nhận thức rõ và tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng linh hoạt, chủ động hơn trong công tác ứng phó, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Hiện nay, TP. Cần Thơ cũng đang đẩy nhanh thực hiện công tác lập Quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp các nội dung quy hoạch ngành, lĩnh vực theo định hướng thích ứng, ứng phó với BĐKH.
Để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng của vùng ĐBSCL nói chung và của TP. Cần Thơ nói riêng, trong thời gian tới, TP. Cần Thơ rất cần có các chính sách, sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành công tác lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng xây dựng phương hướng, giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường, khai thác bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH.
TP. Cần Thơ mong muốn các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục thúc đẩy cơ chế điều phối vùng ĐBSCL trong công tác ứng phó với BĐKH; đồng thời, xây dựng và triển khai các chính sách quản lý bền vững tài nguyên nước của vùng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để tạo động lực phát triển bền vững cho toàn vùng; kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế về thích ứng BĐKH, hướng đến xây dựng TP. Cần Thơ trở thành điển hình ứng phó BĐKH của vùng ĐBSCL.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!