Cần Giuộc thích ứng với hạn mặn

Bài và ảnh: Bạch Thanh| 23/03/2020 07:07

(TN&MT) - Trước hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra, huyện Cần Giuộc (Long An) đã có nhiều giải pháp về nhu cầu nước ngọt, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ổn định sản xuất và đời sống dân sinh.

Khó khăn nguồn nước sinh hoạt

Ông Ngô Bảo Quốc - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cần Giuộc còn các xã: Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập, Đông Thạnh và Phước Lại… có khoảng 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt mùa khô, do nguồn dự trữ trong hồ, lu không còn, trong khi đó, các kênh rạch, ao hồ độ mặn cao hoặc bị cạn nước.
Trước tình hình trên, huyện Cần Giuộc đã và đang thực hiện phương án hỗ trợ cấp nước cho vùng bị thiếu nước sinh hoạt. Thời gian hỗ trợ cấp nước sẽ kéo dài đến cuối tháng 5/2020. Ước tính, khối lượng nước hỗ trợ lên đến khoảng gần 10.000 m3 nước ngọt.
Trong đó, huyện Cần Giuộc chủ động cung cấp 50%, số còn lại Tỉnh đội Long An sẽ hỗ trợ phương tiện cấp nước và lực lượng tham gia. Ngoài ra, đối với những hộ ở sâu, xa khu dân cư tập trung, tỉnh Long An hỗ trợ 200 bộ thiết bị lọc nước bẩn thành nước sạch để giúp nhân dân có được nguồn nước sinh hoạt.

anh-1.-he-thong-thuy-loi.jpg
Huyện Cần Giuộc chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn phục vụ sản xuất

Cũng theo ông Ngô Bảo Quốc, huyện Cần Giuộc hiện có 3 đơn vị khai thác nguồn nước ngầm để xử lý, cung cấp cho nhân dân do trên địa bàn huyện không lấy được nguồn nước mặt, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời.
Về lâu dài, tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện phương án xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ huyện Thủ Thừa (Long An); đồng thời, tăng cường đường ống và trạm bơm tăng áp từ TP.HCM về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đại diện UBND huyện Cần Giuộc cho hay, tính đến nay, toàn huyện Cần Giuộc có 26 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã và 65 tổ liên kết sản xuất. Trong đó, có 6/16 hợp tác xã rau được cấp giấy Chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, 3 hợp tác xã được cấp Chứng nhận sản xuất theo chuỗi an toàn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Cũng theo ông Ngô Bảo Quốc, trước tình hình thời tiết, hạn mặn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Cần Giuộc đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Song song đó, những năm qua, huyện Cần Giuộc đã chú trọng đầu tư hệ thống thuỷ lợi kết hợp giao thông nông thôn phục vụ sản xuất. Đây cũng là yếu tố thuận lợi cho việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tính đến nay, toàn huyện Cần Giuộc có gần 1.000ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có mô hình sản xuất rau sử dụng phân hữu cơ sinh học, xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính, sản xuất theo phương pháp thủy quan, tưới tiết kiệm nước, với các loại sản phâm như xà lách xoong, ngò gai, rau dấp cá, hoa lan…

anh-2.-mo-hinh-trong-rau.jpg
Mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới, ứng dụng tưới tiết kiệm nước ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc

Đánh giá hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, ông Ngô Bảo Quốc cho rằng, cây rau phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh, giảm được chi phí, công lao động ít, nhưng năng suất lại cao hơn 15 - 20%, lợi nhuận so với cách trồng theo phương pháp truyền thống cao hơn khoảng 2 - 6 triệu đồng/công đất canh tác.
Bên cạnh đó, huyện Cần Giuộc có trên 242 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này đã mang lại lại hiệu quả tốt, môi trường ổn định, tôm thương phẩm đạt cỡ lớn, giúp người dân tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế khá trong điều kiện giá tôm thương phẩm bấp bênh, có lúc giảm sâu.
Ngoài những mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân huyện Cần Giuộc còn tập trung cho mô hình trồng cây sả. Bởi theo người dân nơi đây, cây sả thích nghi với môi trường đất đai, chịu được hạn mặn, chi phí sản xuất thấp, không tốn công chăm sóc, trong khi đầu ra tương đối ổn định, cho thu nhập kinh tế cao.

Theo định hướng, huyện Cần Giuộc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Giuộc thích ứng với hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO