Cần giám sát chặt chẽ đối với thủy điện vừa và nhỏ

30/10/2013 00:00

(TN&MT) - Việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ đã gây không ít hệ lụy đối với người dân.

   
(TN&MT) - Ngày 30/10, báo cáo trước Quốc hội quy hoạch tổng thể về thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực do thủy điện đem lại còn không ít những bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển thủy điện. Đặc biệt, việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ đã gây không ít hệ lụy đối với người dân.
   
Buông lỏng việc quản lý, giám sát thủy điện nhỏ
   
  Theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Quốc hội yêu cầu: “Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2013), trong đó xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai; có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện, trồng rừng thay thế.
   
  Dựa trên các tiêu chí xem xét, đánh giá, kết quả rà soát quy hoạch trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã: Loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ (Nlm =24.334 MW); đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW). Điều đáng quan tâm là trong các dự án thủy điện này đều chưa đề cập đến kịch bản vỡ đập.
   
   
  Từ kết quả rà soát quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng: Chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án TĐ nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Khoảng 34% tổng số dự án TĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch.
   
  Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội nhận thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB.
   
  Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn đối với công trình TĐ, đặc biệt là TĐ vừa và nhỏ phải được đặt lên hàng đầu.
   
Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông – góp phần cắt lũ và chống hạn
   
  Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho biết, nhìn chung, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thuộc các lưu vực sông hay xảy ra lũ, lụt đã được thiết lập. 5 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ của 20 hồ chứa trên 5 lưu vực sông đã được ban hành.
   
  Theo Ủy ban KH,CN&MT, ngoài các hồ chứa TĐ lớn, đa mục tiêu đã thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du, có không ít công trình TĐ khác trong quá trình vận hành, chủ đầu tư thường quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thực sự chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt trong mùa kiệt. Do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, do yêu cầu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nhiệm vụ phát điện của một số công trình TĐ chỉ được huy động trong ngày với thời gian không cố định. Theo đó, dòng chảy bị dao động lớn trong ngày, ảnh hưởng xấu đến môi trường hạ du. Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các TĐ nhỏ; chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ. Việc phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng và thực hiện quy trình tuy có triển khai nhưng chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.
   
  Ngoài những biện pháp tăng cường công tác quản lý, vận hành các hồ chứa TĐ, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần ban hành đủ quy trình vận hành liên hồ chứa cả trong mùa lũ và mùa kiệt trên các lưu vực sông; quy định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính, điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực sông cùng tham gia xả lũ, ứng phó với các sự cố đối với hệ thống liên hồ chứa; ban hành chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi không thực hiện đầy đủ, đúng quy trình vận hành, đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường (BVMT), không gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất và sinh hoạt của người dân và vùng hạ du.  
   Thúy Hằng
   
Đề xuất xem lại quy trình, chất lượng quy hoạch thủy điện
        
Trao đổi với phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Trần Du Lịch đề nghị xem lại quy trình, chất lượng quy hoạch để làm sao rủi ro ít nhất cho doanh nghiệp làm thủy điện. Theo ông Trần Du Lịch, chất lượng quy hoạch hiện đang có vấn đề và chúng ta đang thiếu đạo luật về quy hoạch. “Tôi ủng  hộ cắt giảm nhiều công trình thủy điện nhưng tôi cũng xót xa cho doanh nghiệp, theo quy hoạch họ làm đúng nhưng họ bị loại vì một vài lý do khác và bị mất một phí tổn quá lớn”.
        
Còn về hậu quả xả lũ, có trách nhiệm của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Trong khi chưa sửa được chúng ta phải cùng cộng lực để lo cho người dân. Giải pháp trước mắt, khi tới gần mùa mưa lũ phải thông báo trước và buộc các hồ xả lũ, thủy điện tích nước ở mức dự phòng và nếu không có lũ thì chấp nhận thiệt thòi.
        
    

   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giám sát chặt chẽ đối với thủy điện vừa và nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO