Cần có chính sách quy hoạch, bảo tồn cây dược liệu

Hoàng Ngân| 27/02/2023 16:59

(TN&MT) - Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây cho công dụng làm thuốc và được phân bố rộng khắp trên cả nước. Việc bảo tồn, phát triền bền vững cây dược liệu tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen những loại thuốc quý, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

2(1).jpg
Phát triển trồng cây thuốc đã giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo

Đời sống người dân được nâng cao nhờ trồng dược liệu

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới về cả động vật, thực vật và sinh vật biển.  Với nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng, Việt Nam cũng có tên  trong bản đồ dược liệu thế giới. Nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.

Phát triển vùng cây dược liệu được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn những nguồn dược liệu quý nói riêng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chế biến dược liệu thành các sản phẩm, góp phần tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng cây dược liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Đơn cử như tại tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển nguồn dược liệu quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế gấp từ 3 đến 5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp. Theo thống kê, Thái Nguyên có tới hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, Ích mẫu, Mã tiền, Kim tiền thảo, Ba kích, Cát sâm, Sa nhân, Khôi nhung, Cà gai leo, Trà hoa vàng… Các loại dược liệu phân bố rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển và mở rộng các loại cây có giá trị. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình trồng cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn xã Nghinh Tường (Võ Nhai) và phường Châu Sơn (TP. Sông Công) với tổng diện tích 10ha. Trung bình 1ha, bà con thu hoạch được gần 6.000kg củ tươi, với giá bán dao động từ 100 - 200 nghìn đồng/kg, cho thu trung bình 900 triệu đồng/ha, chưa trừ chi phí.

Còn trong năm 2020 và 2021, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cũng đã phối hợp với 16 hộ dân ở các xã: Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường và Phú Thượng (Võ Nhai) thực hiện trồng 12ha cây Ba kích và Cát sâm dưới tán rừng. Quá trình theo dõi cho thấy, 2 loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn cây ngô.

Cần chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu trong nước

PGS.TS Trần Văn Ơn - Nguyên Trưởng Bộ môn thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25%, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc.

1.jpg
HTX Dịch vụ Hoa Trung, ở phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) hiện có 10ha Đinh lăng để làm nguyên liệu sản xuất, chế biến cao Đinh lăng, trà Đinh lăng

Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất cây dược liệu vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (HTX, tổ sản xuất, doanh nghiệp…) hầu như chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả; thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc; thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, cơ chế chính sách hỗ trợ còn chưa phù hợp.

Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển các vùng dược liệu bền vững sẽ góp phần giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu bên ngoài. Hơn nữa cũng bảo tồn được các nguồn dược liệu quý ở nước ta, cung cấp dược liệu cho y tế và cộng đồng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Do vậy, để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thiết lập được chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững dược liệu làm thuốc của nước ta. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu và nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra các loại dược liệu được nhập vào Việt Nam. Trong đó quy định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu. Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong tạo giống dược liệu chất lượng cao; hiện đại hóa hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc từ dược liệu. Ngoài ra, cần đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ y học cổ truyền để đáp ứng đủ số lượng, chất lượng cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có chính sách quy hoạch, bảo tồn cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO