(TN&MT) - Lô gỗ không giấy tờ nghi do lâm tặc khai thác tại khu vực 60,9ha rừng bị tàn phá (xã An Hưng, huyện An Lão, Bình Định) đang được cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra.
Như báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng đã khiến 60,9ha rừng tại xã An Hưng bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.
Khối lượng gỗ được cơ quan chức năng phát hiện |
Lô gỗ không có giấy tờ nghi do lâm tặc tàn phá (tại xã An Hưng) có khối lượng hơn 26m3 và 28 ster củi cháy, được phát hiện tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty CP Đầu tư - kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, do ông Lê Văn Thiệt làm Tổng Giám đốc). Lô gỗ không giấy tờ đã được xẻ thành từng khúc và có dấu vết cháy.
Hiện tại, Đội kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bình Định đã tạm giữ lô gỗ trên để phục vụ công tác điều tra.Ông Nguyễn Hồng Tấn - Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, để tiện cho việc điều tra, lô gỗ này đã được bảo quản tại 3 nơi trên địa bàn huyện.
“Số gỗ nhiều nhưng kho thì chật nên phải bảo quản nhiều nơi mới đảm bảo tốt. Nơi nào cũng được bảo quản một cách cẩn thận”- ông Tấn cho hay.
Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra số gỗ được phát hiện |
Theo ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - thời gian qua, lãnh đạo Trung ương rất quan tâm và liên tục hỏi thăm về vụ phá rừng quy mô lớn tại xã An Hưng.
Vụ phá rừng trên gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tỉnh Bình Định. Với cương vị là Chủ tịch tỉnh, ông Dũng phải làm kiểm điểm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dũng, yêu cầu Chi cục kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thường xuyên kiểm tra nguồn gốc gỗ tại các xưởng chế biến sản xuất gỗ trên địa bàn. Nếu Hạt nào để gỗ lậu trong xưởng, ngay lập tức cách chức Hạt trưởng.
Trước báo giới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng khẳng định phải làm cho ra người chủ mưu, cầm đầu vụ phá rừng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Vì đây, là cả uy tín danh dự của tỉnh và trách nhiệm với Trung ương.
Hoàng Nguyên