Chưa bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện EPR
EPR được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả toàn diện trên cả 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, EPR liên kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị tái chế, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tạo cơ hội thị trường cho sản phẩm tái chế và nguyên liệu thứ cấp. Về xã hội, EPR là công cụ hỗ trợ hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với rác thải.
Thực tiễn áp dụng ở Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, cơ chế EPR đã phát huy được hiệu quả tích cực trong quản lý chất thải rắn. Tại Hàn Quốc, khối lượng tái chế tăng 75% trong hơn 10 năm (năm 2003: 1.047.000 tấn lên 1.837.000 tấn năm 2017), trong đó năm 2017: 92% chất thải nhựa được tái chế (năm 2003: 172.000 tấn lên 883.000 tấn năm 2017). Ở Đài Loan, lượng rác thải tính trên đầu người có xu hướng giảm dần (giảm từ 1,15 kg/người năm 1998 xuống 0,87 kg/người năm 2014), nhưng tỷ lệ tái chế lại có xu hướng tăng (tăng từ 3% năm 1998 lên 45% năm 2015)
Tại Việt Nam, EPR được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường 2005, 5 nhóm ngành hàng là pin và ắc quy; điện và điện tử; săm lốp; dầu nhờn; ô tô và xe máy hiện đang là đối tượng thực hiện EPR theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất trong việc đóng góp kinh phí để thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng; chưa đặt ra tỷ lệ thu hồi, xử lý và chưa có cơ chế hiệu quả để thực hiện nên các doanh nghiệp còn thực hiện quy định này một cách cứng nhắc, mang tính đối phó.
Dây chuyền sản xuất bao bì. Ảnh: MH |
Cần có sự đồng bộ
Để thúc đẩy thực hiện EPR, tại Dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT đã xây dựng quy định: Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở tỷ lệ tái chế thực tế của từng loại sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc thì được bảo lưu phần tỷ lệ chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế của các năm tiếp theo; thời gian bảo lưu là 3 năm. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh theo chu kỳ 3 năm một lần; trường hợp cần thiết, tỷ lệ tái chế bắt buộc có thể được điều chỉnh sớm hơn khi Hội đồng EPR Quốc gia kiến nghị và được Bộ trưởng Bộ TN&MT chấp thuận.
Việc thiết kế hệ thống EPR rất cần sự tham gia của hệ thống thu gom phế liệu phi chính thức (đồng nát). Do đó, trước khi những quy định này được triển khai cần quan tâm thích đáng đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống này và có một lộ trình hợp lý cho việc áp dụng EPR.
Dự thảo Nghị định đã xác định rõ các sản phẩm sau sử dụng phải thu hồi và tỷ lệ thu hồi bắt buộc đối với từng loại sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, để triển khai ERP hiệu quả, cần có sự đồng bộ trong chính sách và tổ chức thực hiện. Đối với công tác quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về EPR, hệ thống đăng ký phải được hoàn thiện và đi trước một bước để thúc đẩy việc hình thành, quản lý và kiểm soát hệ thống. Cơ chế tín chỉ tái chế rất quan trọng để khuyến khích cơ sở có tỷ lệ tái chế cao hơn tỷ lệ bắt buộc, phần cao hơn được cấp tín chỉ để trao đổi trên thị trường nhằm bù đắp cho cơ sở có tỷ lệ tái chế thấp hơn tỷ lệ bắt buộc.