Cải cách hành chính về đất đai: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Trường Giang (thực hiện)| 17/11/2020 11:02

(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, ngành quản lý đất đai đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm bớt quy trình, thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có buổi trao đổi với bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) về nội dung này.

Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)

PV: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục đã có những hành động cụ thể như thế nào, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ:

Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, để đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tổng cục Quản lý đất đai đã quán triệt, thực hiện nghiêm Chương trình tổng thể cải cách hành chính trong đó có nội dung cải cách TTHC giai đoạn 2011 - 2020.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Tổng cục đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng 16 Nghị định và 37 Thông tư quy định chi tiết thi hành. Đặc biệt, trong năm 2019 - 2020, cùng với các cơ quan có liên quan, Tổng cục đã đã chủ động tham mưu cho Bộ TN&MT trình Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ các nút thắt, rào cản, góp phần thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài như: Nghị định số 25 tháo gỡ nút thắt liên quan đến giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; Nghị định số 41 về gia hạn nộp tiền sử dụng đất; Nghị định số 06 sửa đổi Điều 17 Nghị định số 47 về bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để rút ngắn thủ tục, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ 3 Nghị định gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Nghị định quy định việc tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục để tiếp cận đất đai, thông tin, dữ liệu có liên quan, bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp.

Tổng cục cũng đẩy mạnh việc ứng dụng tin học trong việc thực hiện TTHC. Giải quyết chủ yếu trên hồ sơ công việc; luân chuyển thông tin giữa văn phòng Đăng ký và cơ quan thuế chủ yếu là phương thức điện tử. Áp dụng cơ chế liên thông giữa cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường và cơ quan quản lý Nhà nước về thuế trong giải quyết các TTHC về đất đai cho nhà đầu tư.

PV: Theo bà, người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được thuận lợi như thế nào sau khi chúng ta cắt giảm các TTHC và điều chỉnh một số các điều Luật Đất đai?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ:

Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý Nhà nước của Bộ. Cơ chế, chính sách cũng như các quy định TTHC ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa; đáp ứng mục tiêu quản lý Nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí TTHC cho tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.

TTHC về đất đai đã tích cực rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) theo hướng bãi bỏ một số công việc thuộc thẩm quyền của cấp xã trước đây, như xác nhận tình trạng tranh chấp đối với trường hợp đăng ký, cấp GCN mà người sử dụng có giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (đây là nội dung gây nhiều ách tắc nhất trong quá trình cấp GCN trước đây); lập phương án giao đất, lập Hội đồng tư vấn giao đất của xã trong trường hợp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn. Tất cả mọi thủ tục làm sổ đỏ đều đã được đơn giản đến mức tối đa.

Việc công bố công khai bộ TTHC cũng như các khoản phí và lệ phí phải nộp đã khắc được tình trạng “cò mồi”, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định TTHC về đất đai tại các địa phương. Ảnh: Hoàng Minh

PV: Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ:

Từ yêu cầu cải cách TTHC và định hướng phát triển của ngành, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, việc đầu tiên và hết sức quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong năm tới, Tổng cục sẽ cùng với các cơ quan có liên quan tổ chức đánh giá, tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khoá XI, báo cáo Trung ương ban hành Nghị quyết mới để định hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất đai giai đoạn tới.

 Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả; Thường xuyên rà soát, thống kê các TTHC để công bố công khai theo quy định; Đẩy công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về TTHC về đất đai tại các địa phương; chấn chỉnh, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm trong việc quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch TTHC.

Thứ ba, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai theo kế hoạch. Đây là nền tảng quản trọng để tin học hoá và hiện đại hóa công tác quản lý đất đai đai nhằm thực hiện công khai, minh bạch và cải cách trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ tư, hoàn thiện bộ máy, tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu quản lý. Đổi mới phương thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT, nhằm nâng cao năng lực quản lý, xử lý giải quyết của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Kết quả thực hiện cải cách TTHC, trong thời gian qua, nâng chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản lên mức xếp hạng 60 trong 190 nước được đánh giá; chỉ số tiếp cận đất đai tăng bình quân 0,27 điểm/năm (trong đó Đồng Tháp, Quảng Ninh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đi đầu trong cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai); tỷ lệ người dân phản ánh có bôi trơn trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2016, chỉ số hài lòng của người dân tăng 13%; chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai tăng; chỉ số xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ tăng 9 bậc so với năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính về đất đai: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO