Cách giải quyết tranh chấp lối đi chung trong ngõ xóm?

31/01/2017 00:00

(TN&MT) - Ông Chung có một thửa đất 600m2, trước lúc mất (năm 1995) ông Chung để lại di chúc cho 2 người con trai là ông Long và ông Khánh, ông Long nhận 200m2, ông Khánh nhận 400m2, ông Khánh phải mở lối đi khác, không đi chung với lối đi của ông Long. Sau khi ông Chung mất, ông Long đi lập nghiệp nơi khác, nhờ ông Khánh trông coi nhà cửa, vì vậy đã cho ông Khánh đi chung lối đi với nhà mình.

Tuy nhiên, năm 2012, khi ông Long làm sổ đỏ thì phần lối đi của nhà ông Long không nằm trong diện tích của ông Long, hỏi địa chính xã thì được biết phần lối đi đã được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Khánh (năm 2005). Nay ông Long nhờ luật sư tư vấn để bảo đảm quyền lợi của mình.

Trả lời:

Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2015; Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Luật đất đai 2013; Luật tố tụng hành chính 2015; Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Tranh chấp lối đi chung. Ảnh minh họa
Tranh chấp lối đi chung. Ảnh minh họa

1. Trước tiên cần phải hiểu và làm rõ một số vấn đề sau:

- Ông Long và ông Khánh là người thừa kế theo di sản của ông Chung, như vậy, theo di chúc thì phần di sản ông Khánh được hưởng không bao gồm lối đi thuộc di sản thừa kế của ông Long.

- Ông Long trước khi đi làm ăn xa, có nhờ ông Khánh trông nom nhà giúp, theo đó, đồng ý cho ông Khánh sử dụng phần lối đi của nhà mình mà không yêu cầu mở đường đi khác như di chúc đã nêu.

- Năm 2005, ông Khánh được cấp GCNQSDĐ, bao gồm phần lối đi. Như vậy, căn cứ vào đâu để Ủy ban nhân dân cấp GCNQSDĐ cho ông Khánh bao gồm phần lối đi của nhà ông Long?. Ông Long phải xem xét vấn đề này để xác định xem việc cấp đất cho ông Khánh đúng ở đâu, sai ở đâu, từ đó có cơ sở để bảo đảm quyền lợi cho mình.

- Việc ông Khánh được cấp GCNQSDĐ như trên ông Long có biết hay không và đã phản ứng như thế nào?

2. Trình tự thủ tục giải quyết:

Ông Long có 2 phương án: một là thỏa thuận với ông Khánh để ông Khánh và ông Long làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất phần lối đi, vừa không mất hòa khí anh em với nhau, vừa đảm bảo được chi phí thấp nhất có thể. Còn trường hợp ông Khánh không đồng ý với phương án trên thì ông Long có quyền khởi kiện dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất đối với phần lối đi trên.

Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

+ Khởi kiện theo thủ tục hành chính:

Điểm a khoản 3 Điều 203 LĐĐ 2013 quy định: “Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.

Xem xét vấn đề thời hạn để khiếu kiện quyết định hành chính cấp GCNQSDĐ là 1 năm kể từ ngày biết hoặc nhận được quyết định hành chính (điểm a khoản 2 Điều 116 LTTHC 2015). Theo đó, năm 2012, ông Long đi xin cấp GCNQSDĐ thì đã biết phần lối đi đã thuộc phần đất của ông Khánh, ông Long không có quyền khởi kiện quyết định hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Khánh nữa vì đã quá thời hạn.

+ Ông Long có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự:

Khoản 1 Điều 154  BLDS 2015: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Mặc dù Nghị quyết 03/2012 đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016, tuy nhiên, BLTTDS 2015 chưa có văn bản hướng dẫn nên áp dụng tinh thần của điều luật. Theo đó, “Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện” (điểm b khoản 3 Điều 23 quy định).

Như vậy, lý do mà ông Khánh được phép sử dụng phần lối đi của ông Long là ông Khánh trông nom nhà giúp ông Long, vì vậy, trường hợp của ông Long thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Do đó, ông Long có quyền khởi kiện dân sự đối với ông Khánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách giải quyết tranh chấp lối đi chung trong ngõ xóm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO