Hòa Bình: Tập trung khắc phục xử lý nước thải đô thị
(TN&MT) - Việc xử lý nước thải đô thị tại tỉnh Hòa Bình hiện đang là vấn đề "nóng" được chính quyền và các cấp quan tâm, giải quyết.
Theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình hiện có 10 đô thị, trong đó 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Quá trình đô thị hóa đang làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng nước, sử dụng đất, kéo theo gia tăng lượng chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn).
Khối lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khá lớn, tổng khối lượng nước thải trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 105.307 m3/ngày (tải lượng trung bình mỗi người dân sử dụng 120 lít/ngày đêm).
Cùng với gia tăng dân số và đô thị hóa, phát triển sản xuất công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước điển hình nhất. Hiện nay, hầu hết cơ sở doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ lâu và đã xuống cấp nhưng chưa được chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý kịp thời. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư và chạy theo lợi ích kinh tế nên đầu tư hệ thống xử lý chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hòa Bình cho biết, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lấy 98 mẫu nước thải tại các vị trí lấy mẫu đặc trưng cho các loại hình nguồn thải như: nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải y tế.
Kết quả quan trắc môi trường nước thải sinh hoạt tại khu vực dân cư cho thấy, có 3 vị trí thông số TSS vượt so với cột B của QCVN 14:2008/BTNMT và 6 vị trí có thông số Coliforms vượt so với cột B của QCVN 14:2008/BTNMT cho phép.
Đối với mẫu nước thải công nghiệp, qua kết quả quan trắc môi trường nước thải công nghiệp tại các cơ sở, đơn vị được lấy mẫu, các thông số ở một số đơn vị vượt QCVN 40:2011/BTNMT cột B cho phép.
Trong đó 2 cơ sở có hàm lượng tổng N và 5 mẫu có hàm lượng Coliform vượt QCVN 40:2011/BTNMT cột B cho phép. Đối với mẫu nước thải y tế, qua kết quả quan trắc môi trường tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn QCVN 28:2010/ BTNMT cột B cho phép.
Qua tổng hợp số liệu từ năm 2021 đến nay cho thấy, diễn biến của nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, tỉnh Hòa Bình cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ về vấn đề ô nhiễm nguồn nước.
Cụ thể, một số cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Hiện chỉ có CCN Tiên Tiến (xã Quang Tiến, TP Hòa Bình), KCN Lương Sơn, KCN Bờ trái sông Đà đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Việc đầu tư hạ tầng xử lý nước thải của các CCN, KCN còn chậm so với tiến độ triển khai các dự án đầu tư, dẫn đến một số doanh nghiệp đã tự đầu tư hệ thống xử lý, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung của khu, CCN, do vậy các nguồn thải phân tán, khó khăn trong công tác quản lý. Xử lý rác thải sinh hoạt chưa triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác hiện hữu vẫn còn tiếp diễn.
Để thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), ngành TN&MT tỉnh đã đầu tư kinh phí và dành nhiều nguồn lực cho công tác BVMT. Hiện nay, nguồn kinh phí này bố trí chưa đảm bảo tỷ lệ 1% trong tổng chi ngân sách hàng năm và tăng liên tục trong các năm qua tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực BVMT, vận động nguồn lực quốc tế và thực hiện các cam kết, tài trợ quốc tế về môi trường thông qua thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực BVMT.
Theo nhận định của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các chủ dự án, nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh nguồn nước thải tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và thực hiện các công trình BVMT.
Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, phòng chống tội phạm về môi trường và xử lý nghiêm vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông, suối, ao, hồ... trên địa bàn tỉnh. Áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định. Đặc biệt, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, xả thải vào nguồn nước.