Trong nước

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần quy định rõ về bảo vệ môi trường

Khương Trung - Thanh Tùng 25/10/2024 10:32

(TN&MT) – Sáng 25/10, phát biểu xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐBQH cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị.

251020240807-z5964956191322_b63aa97a6d030f7a21deb3af04c0668d.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đánh giá cao dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng hơn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ quy hoạch, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích khi các nhà đầu tư tư nhân tài trợ.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc giảm bớt các quy hoạch chi tiết, đơn giản như quy hoạch cấp nước, vì quá nhiều quy hoạch sẽ gây rắc rối, thay vào đó có thể quy định chung trong luật, còn các bước cụ thể để lập quy hoạch có thể để trong các quy định ngành.

Bên cạnh đó, đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm "siêu đô thị " trong dự thảo luật ? Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm" trong Điều 2 của dự thảo luật để tránh các trường hợp diễn giải khác nhau trong tương lai.

Về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng Điều 21 về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc trung ương quá chi tiết, có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, đề nghị cân nhắc viết theo hướng bao quát hơn.

Giao Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực

251020240842-z5964891326329_4a25478137cbaa3b0b1bc5a491dcb770.jpg
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông.

Trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế. Cụ thể như quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, kết cấu chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế; còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong Luật này...

Bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7

251020240838-z5964835216910_ba113c9781634096ed3d32a497557efc.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung (QHC), quy hoạch phân khu (QHPK) và quy hoạch chi tiết (QHCT) có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại QHC được cụ thể hóa tại QHPK, các nội dung tại QHPK được cụ thể hóa tại QHCT. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Liên quan đến nội dung này, ngày 24/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ QHĐTNT là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 02 dự thảo Luật, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 02 dự thảo Luật.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giảm lược tối đa các quy hoạch phải lập.

Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7); quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các QHC; trường hợp QHC khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp QHC có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.

Về cơ chế giải quyết vướng mắc này, căn cứ ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể như sau: Trường hợp có mâu thuẫn giữa các QHĐTNT cùng cấp độ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các QHĐTNT khác cấp độ thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III của Luật này.

Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động QHĐTNT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần quy định rõ về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO