Chung tay giữ rừng
Dọc tuyến đê chạy qua nhiều xã ven biển của huyện Đầm Hà như Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút tầm mắt. Hệ thống rừng ngập mặn như những “bức tường xanh” bảo vệ làng mạc, người dân các xã ven biển từ bao đời nay. Đầm Hà sở hữu chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích trên 5.500ha, với hơn 2.400ha rừng phòng hộ.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, Phạm Văn Thuật chia sẻ, cách đây gần 7 năm về trước, Đầm Hà đứng trước nguy cơ nhiều cánh rừng ngập mặn bị xóa sổ với hơn 160ha rừng mắm tại 2 xã Tân Bình và Đầm Hà bị sâu hại nặng, những cánh rừng mắm xanh mướt bị sâu ăn trụi lá, chỉ còn lại những cành cây trơ trọi.
Để cứu những cánh rừng ngập mặn ven biển, huyện Đầm Hà đã huy động hàng trăm người dân cùng các phương tiện, vật tư để trừ sâu hại bằng biện pháp thủ công như tỉa cành, lá có sâu, nhộng; dùng sào tre đập cho sâu rơi xuống nước rồi vớt vào bao dứa, đào hố dùng xăng, dầu để tiêu hủy.
Sau hơn một tuần ra quân, những vạt rừng bị dịch sâu phá hoại nặng đã được khoanh vùng, khống chế không để lây lan sang những cánh rừng khác. Ngay sau khi khống chế dịch sâu bệnh, huyện Đầm Hà đã đánh giá thiệt hại, thường xuyên kiểm tra diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn, cũng như huy động chính quyền các xã, người dân trồng dặm lại những diện tích rừng bị sâu phá hoại.
“Nói thì đơn giản, nhưng do diện tích rừng ngập mặn bị dịch hại nằm xen kẽ và giáp ranh với vùng nuôi trồng thủy sản nên không được dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ thực hiện bằng các biện pháp thủ công để trừ sâu. Vì vậy, việc dập dịch gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân đã khống chế được dịch, trả lại màu xanh cho những cánh rừng ngập mặn”, ông Phạm Văn Thuật chia sẻ thêm.
Ông Mè Văn Chuyên, nhà ở thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà cho hay, những cánh rừng mắm, sú, vẹt gắn bó với đời sống bà con bao từ bao đời nay, rừng không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi những cơn sóng dữ, mà còn tạo môi trường trong lành, là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tôm, cua, cá, ốc, giúp người dân địa phương đánh bắt có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vì thế, người dân nơi đây luôn ý thức giữ rừng chính là giữ cuộc sống của chính mình.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, địa phương đang đẩy nhanh việc lập và triển khai phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, huyện quyết liệt chỉ đạo các xã ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động nuôi trồng của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích rừng ngập mặn.
Phát triển rừng bền vững
Hệ thống rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Đầm Hà khá đa dạng với các loại cây, như: mắm, sú, vẹt, trang, bần. Những cánh rừng ngập mặn có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ hệ thống đê biển, ngăn chặn gió bão, điều hòa khí hậu trong vùng, hạn chế xói lở, cũng như che chở cho làng mạc, người dân ven biển. Rừng ngập mặn cũng là “ngôi nhà sinh thái” cho nhiều loài thủy hải sản trú ngụ, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, góp phần duy trì bền vững năng suất đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đối với người dân ven biển của địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, những năm qua, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Trong gần 20 năm qua, chương trình trồng rừng ngập mặn bằng nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ đã ghi nhận diện tích gần 200ha rừng trên địa bàn các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập.
Cùng với đó, hằng năm, huyện Đầm Hà đều tổ chức các đợt ra quân trồng rừng ngập mặn hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhờ vậy đã trồng mới thêm gần 10ha rừng ngập mặn tại các xã ven biển. Nhờ vậy, diện tích rừng ngập mặn của Đầm Hà tăng lên đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH đang diễn ra khá phức tạp.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, ông Phạm Văn Thuật cho biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ và lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với với chính quyền các xã ven biển, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn, nên nhiều năm liền không có hiện tượng chặt phá, xâm lấn những cánh rừng ngập mặn.
Trong gần 20 năm qua, chương trình trồng rừng ngập mặn bằng nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện với diện tích gần 200ha trên địa bàn các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập. Cùng với đó, hằng năm, huyện Đầm Hà đều tổ chức các đợt ra quân trồng rừng ngập mặn hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhờ vậy đã trồng mới thêm gần 10ha rừng ngập mặn tại các xã ven biển.
Cùng với đó, huyện Đầm Hà chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về tác dụng của rừng ngập mặn, vận động người dân hưởng ứng tham gia trồng, bảo vệ rừng ngập mặn.
Việc trồng bổ sung, phục hồi rừng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Đầm Hà đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái rừng ngập mặn, tăng khả năng chống chịu của rừng trước những diễn biến khó lường của BĐKH và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển của địa phương.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng phòng hộ nói chung và rừng ngập mặn nói riêng, địa phương đang đẩy nhanh việc lập và triển khai phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động nuôi trồng của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích rừng ngập mặn.