Phân loại rác thải tại nguồn ở Hà Tĩnh
Ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn Hà Tĩnh là vấn đề nổi cộm. Ước tính mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày. Trước thực trạng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh phân loại xử lý rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình hoặc tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Sau khi phân loại rác, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn, lượng phân bón này sẽ phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đốt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái, chuỗi thức ăn và sức khỏe con người. Công nghệ này áp dụng đơn giản, tiết kiệm chi phí, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện người dân nông thôn.
Một số xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình như: Tượng Sơn, Nam Hương, Thạch Điền, Thạch Tiến, Hương Trà, Tùng Ảnh..., trong đó, điển hình là xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã xây dựng nhiều mô hình phân loại xử lý chất thải tại nguồn trên địa bàn xã. Hiện, có hơn 71.000 hộ dân thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30.000 hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung. Hầu hết các hộ dân thực hiện theo hỗ trợ hướng dẫn từ Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở.
Phụ nữ Phong trào “5 không, 3 sạch”
Từ năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đăng ký với Chính phủ hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bằng Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (5 không: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
Mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” đã được Trung ương Hội chỉ đạo điểm tại 8 cụm thi đua năm 2017, đến nay, đã có trên 40 tỉnh/thành nhân rộng mô hình với gần 1.500 Chi hội. Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác đã được thực hiện ở cộng đồng như “Con đường hoa/Hàng rào xanh”, “10 hộ liền kề” chung tay xây dựng nông thôn mới, mô hình “Cơ sở, Chi hội mẫu 3 sạch”, “Ngày thứ 7, Chủ nhật xanh”, “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ quản lý”, "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông", "Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn", "Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo
Từ năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và Công ty Unilever trong triển khai xây dựng mô hình “Làng hoàn hảo” tại gần 200 làng.
NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp
Nam Định có 209/209 xã (100% số xã) và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích trước 1,5 năm so với kế hoạch. NTM ở nhiều địa phương của tỉnh Nam Định đang trở thành nơi đáng sống.
Về xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu, cùng với huyện Hải Hậu xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững, tỉnh Nam Định chọn 5 xã, 6 thôn/xóm và 2 khu xử lý rác thải liên xã để xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu, tiêu chí NTM kiểu mẫu. Các xã, thôn/xóm triển khai xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu phải đảm bảo các yêu cầu: Là xã, thôn/xóm NTM tiêu biểu của địa phương, có đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018 hoặc năm 2019. Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầy đủ, hoàn thiện theo chuẩn NTM. Có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, hiện đại, ngăn nắp theo quy hoạch; nhà cửa, khuôn viên của hầu hết các hộ gia đình khang trang, sạch đẹp, ngăn nắp. Có nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, có an ninh trật tự tốt; có đủ hệ thống tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội vững mạnh.
Các mô hình NTM kiểu mẫu cần tập trung thực hiện 4 nhóm tiêu chí NTM kiểu mẫu, gồm: Cảnh quan - môi trường, Văn hóa, Phát triển sản xuất và An ninh trật tự.