Bồi thường đất vườn hay đất thổ cư?

04/10/2018 17:02

(TN&MT) – Tôi tên Tăng Gia Suất quê ở thành phố Cần Thơ, xin trình bày nội dung như sau: Gia đình tôi sinh sống và cất nhà ở tại xã An Bình (nay là phường An Bình) từ trước năm 1975 đến nay. Năm 1994, tôi được UBND thành phố Cần Thơ cũ cấp giấy đỏ ghi diện tích là 1630m2 đất vườn. Năm 2018, tôi bị thu hồi đất 305m2 để làm cây cầu và toàn bộ căn nhà đang ở. Tôi được bồi thường đất trồng cây lâu năm (CLN). Tôi được biết trường hợp của tôi đủ điều kiện bồi thường 150m2 đất thổ cư theo qui định hiện hành vì gia đình ở từ năm 1975 đến nay. Tôi có đơn yêu cầu bồi thường 150m2 đất thổ cư nhưng được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án trả lời là không đủ điều kiện xác định lại đất ở nên bồi thường đất vườn là đúng qui định pháp luật. Xin hỏi Hội đồng trả lời tôi như vậy có đúng qui định pháp luật không? Xin cảm ơn.  

dat vuon
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo như bạn cho biết, đất nhà bạn đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận và công nhận là đất vườn. Đây là căn cứ để gia đình bạn được nhận bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi theo đúng quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là đất vườn, việc gia đình nhà bạn được bồi thường đất trông cây lâu năm là hợp lý. Việc bạn khẳng định trường hợp nhà mình đủ điều kiện để được bồi thường 150m2 đất ở là chưa có căn cứ.

Về chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bạn có thể tham khảo một số quy định sau:

Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:  Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Thứ hai, theo Điều 77 Luật Đất đai 2013 về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:

- Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;

-  Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;

-  Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, theo Điều 84 Luật Đất đai 2013, gia đình bạn còn được nhận Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường đất vườn hay đất thổ cư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO