Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực TN&MT

Khương Trung – Tuyết Chinh| 15/06/2020 14:04

(TN&MT) - Sáng 15/6, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về an ninh nguồn nước, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, ý kiến và nhận diện các vấn đề của cử tri và đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường phải tập trung để xử lý. Kết quả đạt được chính là kết quả khi ở địa phương cơ sở mang lại những thành tựu.

Xác định các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước

Khẳng định những ý kiến của các đại biểu về vấn đề an ninh tài nguyên nước là hoàn toàn đúng đắn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành tài nguyên và môi trường đã có những nghiên cứu và xác định các giải pháp.

Mặc dù, nếu nói về lượng mưa và lượng nước mặt chảy (bao gồm nước nội địa và nước quốc tế) chúng ta có lượng nước khá phong phú. Nhưng nếu tính về lượng nước ở nước ngoài là hơn 63%, chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn nước ngoài, xuyên biên giới chảy vào nước ta. Trong khi đó, nếu nói trên lượng nước nội địa thì tỷ lệ người dân được sử dụng nước nhìn chung là thấp hơn trung bình với thế giới.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại nghị trường sáng 15/6.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay có rất nhiều vấn đề đang đặt ra như các vị đại biểu nói, đó là tác động kép của biến đổi khí hậu, làm cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước, như nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 120 đã chỉ ra, nếu không thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế thì chúng ta không đảm bảo được tính bền vững.

Cụ thể, lượng nước của các quốc gia thượng nguồn chiếm đến 20%, trữ lượng thông qua các hồ thủy điện và hồ chứa có thể họ giữ lại được như vậy. Nếu nói về mùa đông, mùa khô hạn, chúng ta mất 70%- 80% lượng nước do biến đổi khí hậu, như vậy chỉ còn khoảng 20%-30% về giới hạn nguồn, nếu họ giữ lại 20% thì chúng ta hoàn toàn bất ổn và mất an ninh liên quan đến nguồn nước.

Mặt khác, theo người đứng đầu ngành TN&MT, chúng ta đã có những nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy thể chế về nước của chúng còn có vấn đề. Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước. Việt Nam cũng chưa có chính sách kinh tế tài chính. Hiện nay, 80% lượng nước sử dụng dùng cho nông nghiệp. Hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 ở nước ta mới có 2,37 USD, trong khi thế giới là 19,57 USD, ở Lào là 2,57 USD. Nói như vậy, có nghĩa chúng ta phải làm rất nhiều biện pháp để nâng hiệu quả sử dụng ở khu vực chiếm 80%.

Theo Bộ trưởng, ngành tài nguyên và môi trường đã xác định các giải pháp; trong đó, phải tiếp tục xem xét lại thể chế để rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước; làm rõ để tìm nguồn lực đầu tư vào cho vấn đề hạ tầng, đặc biệt là quan trắc dữ liệu; vấn đề quy hoạch.

Một giải pháp quan trọng nữa mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đó là phải làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan. Đặc biệt, đưa những vấn đề nước lưu vực sông như sông Mekong, bên cạnh hợp tác Ủy hội sông Mekong, sông Lan Thương chúng ta phải đưa vấn đề này lên quốc tế hóa, nhiều thiết chế chúng ta phải cùng với các nước vận động để tham gia vào thiết chế chung của quốc tế.

Sửa đổi toàn diện, thận trọng cơ chế, chính sách pháp luật đất đai

Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, xuất phát từ 7 vấn đề vướng mắc, khó khăn về đất đai, Chính phủ với tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình để sửa đổi một số điều của Luật Đất đai; nhưng đến nay hầu hết các chủ trương, vấn đề khó khăn, vướng mắc chúng ta đã được tiếp thu và sửa ngay trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và có 2 nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 60 liên quan đến vấn đề quản lý đất đai trong lĩnh vực về cổ phần hóa và 10 nghị định của Chính phủ để thực hiện việc tổ chức triển khai luật năm 2013.

Về nhu cầu và những vấn đề vướng mắc của một số điều của luật thì về cơ bản đến nay Quốc hội, Chính phủ gần như đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Chính phủ đã tham mưu, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Ban Kinh tế Trung ương đã sơ kết Nghị quyết số 19 về chủ trương chính sách đất đai cho giai đoạn 2016-2021 và đưa ra rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề tổ chức, nhiều vấn đề cơ chế, chính sách pháp luật.

Như vậy, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ là một số điều nữa mà phải sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách pháp luật. Việc sửa đổi liên quan rất nhiều đối tượng nên cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến vấn đề thực tiễn. Đặc biệt chú ý hơn 60% những người đang sử dụng đất. Đây là những người nông dân ở nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng, quan trọng khác cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 15/6

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ cũng đã hai lần đưa ra nội dung và phương pháp và Ban Chỉ đạo hiện nay cũng đang tiếp tục thực hiện, vừa đánh giá tổng kết, vừa sẽ tổng kết Nghị quyết 19, vừa tiến hành sửa đổi toàn diện về nội dung. Khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030 thì Chính phủ sẽ có ngay dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội.

Luật Bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu thay đổi một cách toàn diện

Về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là một vấn đề liên quan an ninh tài nguyên nước như chúng ta nói một thành phần môi trường. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã đưa lên tại nghị trường trong 4 kỳ họp vừa qua và đặc biệt là ý kiến của nhiều nhà khoa học và Nhân dân đã được Chính phủ nhận diện, xác định và thực hiện cam kết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu thay đổi một cách toàn diện cách mạng để làm sao đạt được mục tiêu các thành phần môi trường đang ô nhiễm, xu thế suy thoái môi trường, mất cân bằng môi trường hiện nay phải đảo ngược. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được Hiến pháp, đó là đảm bảo cho chất lượng và quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành.

Theo Bộ trưởng, toàn bộ quan điểm, chủ trương chỉ đạo đã được Bộ Chính trị thông qua Kết luận số 65 khi sơ kết Nghị quyết số 24 về vấn đề chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cũng như là tăng cường công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã khẳng định rằng là phải coi môi trường đầu tư trong suốt vấn đề từ chủ trương, chương trình dự án và đầu tư trong môi trường là đầu tư cho phát triển và không hy sinh môi trường. Cũng như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rất nhiều lần là chúng ta phải thực sự lấy môi trường để làm mục tiêu cho phát triển.

Toàn bộ quan điểm này đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường và trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường này nhiều vấn đề rất thiết thực và cụ thể rất sát sườn với người dân như vấn đề về nước thải và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, trong luật đã đưa ra quan điểm là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền. Người được sử dụng dịch vụ về môi trường thì phải chi trả.

Cùng với đó, chúng ta cần phải có sự tham gia, tức là Nhà nước sẽ cam kết vào đầu tư vào những vấn đề môi trường do lịch sử để lại có từ trước. Người dân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm trong vấn đề triển khai thực hiện, kể cả vấn đề giám sát, khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, nếu chúng ta quản lý và phân loại kỹ càng thì 40% chất thải sẽ là tài nguyên khi được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường, kinh tế. Chính phủ sẽ có tính toán dựa trên kinh nghiệm quốc tế để đưa ra lộ trình hỗ trợ bài bản, kịp thời cho những người dân khó khăn.

Những chính sách này sẽ do chính người dân và địa phương bàn bạc triển khai. Dự thảo Luật BVMT cũng quy định rất cụ thể sự tham gia và vai trò chủ đạo của các tổ chức như là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với tinh thần truyền thống của dân tộc khi chống giặc thì vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là một kẻ thù. Chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc. Với tinh thần đoàn kết của nhân dân, cử tri, đại biểu sẽ giúp cho Luật Bảo vệ môi trường thực tế là một luật đưa vào cuộc sống để đảm bảo chất lượng cho sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO