Trong nước

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Sửa đổi Luật Điện lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Thanh Tùng - Khương Trung 26/10/2024 - 19:59

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là điều rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ vào năm 2025. Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia.

Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận chủ trì phiên thảo luận.

small_chieu-20241025_db-duy(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Khương Trung

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Tán thành sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan tới quy định về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực;…

Cần chính sách đặc thù phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số

Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật điện lực như Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, đây là dự án Luật được sửa đổi khá toàn diện với nhiều chính sách mới, liên quan đến nhiều luật khác nhau trong đó có một số dự án luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Vì vậy đại biểu đề nghị cân nhắc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình 1 kỳ họp.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại điểm a khoản 3, Điều 5 quy định “3. Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: a) Nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương”.

small_chieu-20241025_db-trung.jpg
Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung

Đại biểu đề nghị xem xét bỏ cụm từ “Ngân sách nhà nước” hoặc viết là “vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước” để bảo đảm đồng bộ trong dự thảo Luật khi có nhiều nội dung đang sử dụng: “Dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử vốn nhà nước ngoài đầu tư công” và theo khái niệm “vốn đầu tư công” theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 đã bao trùm đầy đủ.

Đối với chính sách phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị có chính sách đặc thù do hệ thống điện lưới đều đi qua rừng tự nhiên nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đồng thời có chính sách đặc thù về giá bán điện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực này để thu hút đầu tư.

Cho ý kiến đối với khoản 11, Điều 5 quy định về tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực, đại biểu cho rằng, Luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trong chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 lần này, quy định về nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện vốn chủ sở hữu, về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về thoái vốn đối với những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn... Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định chi tiết như tại khoản 11 Điều 5 dự thảo Luật đảm bảo không mâu thuẫn, chồng chéo với Dự án luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết quy định nguyên tắc và giao Chính phủ hướng dẫn, đảm bảo không luật hóa những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội như chủ trương của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Điều 33), tại khoản 4 quy định cho tổ chức, cá nhân được lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia và thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư và giá bán điện dư. Đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị cần quy định cụ thể mức trần giá điện dư khi tổ chức, cá nhân phát vào hệ thống điện quốc gia, vì trên thực tiễn hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân muốn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia song chỉ ở mức 0 đồng. Điều này dẫn đến sự kìm hãm và lãng phí cho việc kích cầu phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Do đó cần thiết quy định giá trần đối với việc phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia.

Sửa đổi Luật Điện lực là yêu cầu cấp thiết

Tham gia phát biểu tại Tổ, các đại biểu cũng cho rằng, sau 20 năm triển khai thi hành và 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, Luật Điện lực đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, đáp ứng nhu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Để tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của Nhân dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và mang tính cấp bách.

small_chieu-20241025_db-sang.jpg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật, tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế. Đồng thời. Cụ thể hoá các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để đảm bảo khả thi, xem xét các lĩnh vực nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung đảm bảo an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hoá, giảm đầu tư công. Xem xét bổ sung quy định về quản lý quy hoạch, chính sách đối với “chuyển đổi năng lượng”; loại hình “lưu trữ điện năng”, “công nghệ lưu trữ năng lượng”. Việc phát triển các trạm sạc xe điện, an toàn trang thiết bị điện tại các trạm sạc xe điện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại hình trạm sạc xe điện ngày càng phát triển làm xơ sở triển khai thực hiện khi Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định rõ, cụ thể về phạm vi điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch; cơ chế quản lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực; dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp; phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lựa chọn nhà đầu tư, trách nhiệm của bộ, ngành trong việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện thông qua phương thức đấu thầu; các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

Tham gia phát biểu tại Tổ, đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Chính phủ đã nhận thấy tính cấp thiết, cần sớm sửa đổi Luật Điện lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển các ngành kinh tế của đất nước; nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng thế giới về hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang rất nỗ lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, theo hướng đẩy mạnh phát triển các ngành năng lượng tái tạo, giảm dần các nguồn năng lượng phát triển từ nhiên liệu hoá thách với mục tiêu phải nâng gấp 3 lần công suất của các nhà máy phát triển năng lượng tái tạo.

small_chieu-20241025_db-duy-2.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Khương Trung

Với yêu cầu cấp thiết như vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu và chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Ban đầu có ý kiến cho rằng, lựa chọn một số chính sách, một số vấn đề vướng mắc rất cấp thiết để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, tương tự như Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau xét thấy rằng nếu chỉ sửa một vài vấn đề thì không giải quyết được tổng thể vấn đề an ninh năng lượng, như đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo… đều là vấn đề rất mới, không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới như phát triển điện gió ngoài khơi, các hệ thống thiết bị để tích trữ năng lượng. Hơn nữa, vấn đề an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả khu vực. Hiện đã có những sáng kiến về việc xây dựng hệ thống mạng lưới điện của các nước ASEAN, chứ không chỉ của mỗi quốc gia để có sự chia sẻ giữa nơi thừa và nơi thiếu… Do đó chúng ta phải hình thành khuôn khổ pháp lý để bảo đảm cho sự phát triển của ngành điện lực của mình.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này với hơn 100 điều, khối lượng rất lớn. Do đó, có ý kiến băn khoăn là để xem xét, thông qua trong 1 kỳ họp thì có đảm bảo chất lượng không?

Chính phủ cho rằng, để thông qua được cần sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội. Chính phủ mong muốn, các vị ĐBQH dành thời gian thoả đáng để nghiên cứu dự án Luật này, nếu thấy đủ rõ, đủ thông, nhất là thống nhất, không có nhiều ý kiến khác nhau để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này là điều tốt nhất; điều này thực sự cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ này vào năm 2025. Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Sửa đổi Luật Điện lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO