Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói về giải pháp khoa học công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu

31/10/2018 22:50

(TN&MT) - Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh đăng đàn trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) về việc Bộ KH&CN đã có những giải pháp, chương trình hành động cụ thể nào để ứng phó với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu vấn đề: Thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực ngày càng nặng nề đối với nước ta, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long từ việc xâm nhập mặn, chìm sâu về lãnh thổ ở Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp... hay là khô hạn, thiếu nước, sa mạc hóa ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

“Trái với tốc độ ảnh hưởng tàn phá của biến đổi khí hậu, phản ứng của chúng ta còn khá chậm chạp, đặc biệt là các giải pháp hành động ở lĩnh vực khoa học, công nghệ. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những giải pháp, chương trình hành động cụ thể nào để ứng phó với các mối đe dọa nêu trên?” - đại biểu Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi.

BT Chu Ngọc Anh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh đăng đàn trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Quốc Khánh

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khái quát: Có thể nói 3 lĩnh vực là biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường. Về nhận dạng, đây thực sự là những lĩnh vực công ích, chủ trương của Đảng, Nhà nước hết sức rõ ràng, nhất quán thời gian gần đây. Chúng tôi muốn nói về vấn đề công ích, trong giai đoạn vừa rồi, tái cấu trúc các chương trình để phục vụ cho kinh tế mạnh nhất. Chúng tôi thấy, nếu đi cùng Bộ trưởng Xuân Cường, chuỗi giá trị cá tra, phụ phẩm ra sao, chúng tôi đã hỗ trợ Tập đoàn Sao Mai thì rõ kết quả ngay. Nhưng đối với những vấn đề xã hội, chúng ta thấy trách nhiệm đầu tiên của Nhà nước rất rõ đối với cử tri và nhân dân.

Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng KH&CN, đối với lĩnh vực này, các kết quả giải quyết lâu dài. Đây là một lĩnh vực giải pháp công trình hay phi công trình đều đòi hỏi sự liên ngành rất cao và liên ngành đó chắc chắn đối với khoa học còn rõ ràng hơn.

Với tính cách như thế, chúng tôi tập trung hết sức nhất quán, không chỉ xoay sang kinh tế mà tập trung cho các chương trình về phòng, chống thiên tai, dự báo biến đổi khí hậu và tăng cường trọng điểm chương trình biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chủ trì và chúng tôi quản lý nhà nước.

Bước đầu có thể nói có những kết quả dù là khiêm tốn nhưng trên toàn thể đồng bằng sông Cửu Long các nhà khoa học đã đóng góp cho kịch bản và nâng cao độ tin cậy của biến đổi khí hậu và nước. Đánh giá được thực trạng, xu thế, biến động và cơ chế, nguyên nhân xói lở và bồi đắp.

Giải pháp chung cũng như công nghệ về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển. Mô hình thử nghiệm để chống xói lở cho một số tỉnh và một số đồng bằng. Các giống lúa và giống vật nuôi để thích ứng. Mô hình canh tác và nhiều hoạt động khác, kể cả những bản đồ Atlat biến đổi khí hậu để thực hiện.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phân tích: có thể nói kết quả chúng ta giải quyết những vấn đề trước mắt đạt được nhưng khi đặt vấn đề với toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, trên tinh thần Nghị quyết 120, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề này chắc chắn phải đặt ra đó là huy động quốc tế. Cũng suốt hai năm vừa rồi, chúng tôi nỗ lực cùng các chuyên gia quốc tế và những là quốc gia hàng đầu của G7 khảo sát thực địa...

Theo Bộ trưởng, cho đến nay báo cáo với Quốc hội và cử tri, chúng ta cũng phấn khởi cơ bản những thông số và kỹ thuật, có nghĩa bài toán đặt ra để nhìn một cách tổng thể nhất các bạn đã cùng với chúng ta và đây là cơ hội để kéo theo hàng chục viện nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu quốc gia hàng đầu để giải quyết vấn đề này.

Tương tự như vậy, đối với Ninh Thuận, về khô hạn, Thủ tướng có chỉ đạo theo tinh thần Quyết định 264 và có ba dự án giao cho ba ngành là Tài nguyên và Môi trường, Khoa học công nghệ và Nông nghiệp. Bộ trưởng nói: “Chúng tôi cũng đã triển khai bước đầu và có những kết quả chuyển giao để Bộ Nông nghiệp đưa vào vùng này”.

Về sinh kế, cũng có những chỉ dẫn địa lý giản dị như chỉ dẫn địa lý cho thịt cừu của Ninh Thuận năm 2017 cũng đã được triển khai. Tương tự như vậy, các giống chống ngập mặn như ÔM1, ÔM2, 5/000 nước mặn bây giờ đã phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và phục vụ cho xuất khẩu.

“Báo cáo sơ bộ như vậy để thấy đây là một vấn đề thực sự liên ngành lớn, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm. Ví dụ tích lũy hơn một chục năm vừa rồi, chúng ta có thể tự hào Trung tâm dự báo khí tượng của chúng ta được quốc tế thừa nhận là một mắt xích và trung tâm khu vực, độ tin cậy như vậy đã đáp ứng được phần nào, dù chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta. Chắc chắn kỳ vọng còn nhiều và trách nhiệm của chúng tôi cũng tiếp tục cùng với sự quan tâm của đại biểu, cử tri trong chặng đường sắp tới…” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói về giải pháp khoa học công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO