Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành
Theo ông Phan Văn Đăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang xây dựng lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; nghiên cứu triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26; phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và đạt phát thải ròng bằng “0”. Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với BĐKH và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh.
“Quá trình triển khai thực hiện cam kết tại COP26 có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở. Điều này đã bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng; đồng thời, phát huy cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao” - ông Phan Văn Đăng nhận định.
Lồng ghép ứng phó BĐKH đề cao tính hiệu quả
Các cấp, các ngành tại Bình Thuận đang rất chú trọng triển khai thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050; đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tỉnh Bình Thuận, triển khai Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Bình Thuận (2020 - 2025), Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Đây là cơ sở để có cái nhìn tổng thể về công tác ứng phó BĐKH trong giai đoạn tới, triển khai các giải pháp gắn với yêu cầu thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực.
Tỉnh cũng đã lồng ghép ứng phó BĐKH trong triển khai các chương trình, đề án, dự án đầu tư liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng như Chương trình bảo vệ và phát triển rừng 3 bền vững; Chương trình triển khai kế hoạch REDD+... Thông qua các dự án đã huy động nguồn lực từ địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đầu tư, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng rừng thay thế, rừng sản xuất, tăng độ che phủ rừng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ về thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính.
Trước sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, những năm gần đây, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai luôn là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh việc làm tốt các công tác chuẩn bị, trong mùa bão, tỉnh có kế hoạch bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là khu vực thường xuyên có nguy cơ cao sạt lở đất khi có bão, lũ. Chủ động bố trí thiết bị, phương tiện và dự phòng lương thực, thuốc men đến các cụm, thôn… dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm và sẵn sàng cung cấp cho các vùng bị thiên tai, bão lũ trên địa bàn, nhất là huyện đảo Phú Quý.
Tỉnh cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường công tác giám sát BĐKH, quan trắc khí tượng, thủy văn, cảnh báo khí hậu cực đoan. Bên cạnh đó, nâng cấp và cải tạo, kiên cố hóa các công trình giao thông vận tải ở các vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất. Quy hoạch mạng lưới đường giao thông chú trọng biện pháp tiêu thoát nước, nhất là vào mùa lũ; khuyến khích phát triển các loại phương tiện thân thiện môi trường và tăng cường kiểm soát khí thải trong giao thông...
Theo Hiệp Hội điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 55 dự án điện gió, điện mặt trời được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và cấp Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất khoảng 2.170MW. Đến nay, 6 dự án điện gió và 4 dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động với tổng công suất 320,4MW.
Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình như: Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP); Dự án lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận do Chính phủ Ý tài trợ, dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Bình Thuận vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản triển khai thực hiện... Các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực nâng cao năng lực cho cộng đồng, sinh kế thích ứng với BĐKH, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Cần những hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể
Để nâng cao hiệu quả triển khai các các cam kết của Việt Nam tại COP26, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng hướng dẫn cụ thể, giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho việc tổ chức giám sát, bộ tiêu chí đánh giá, đề cương báo cáo định kỳ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình chuyển giao, tập huấn, phòng, chống, ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương trong triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Hỗ trợ triển khai các dự án nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 trên địa bàn tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thích ứng với BĐKH cũng như tổ chức, hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp, đầu tư tài chính cho các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đây là cơ sở để tỉnh Bình Thuận ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.